Mới vào năm 2012 được hơn ba tháng, mà những hộ nuôi cá tra cũng như các DN kinh doanh mặt hàng này đã điêu đứng. Giá cá thành phẩm liên tục giảm nhưng các chi phí đầu vào tăng cao, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó DN lại rơi vào tình trạng thiếu vốn, nguồn cung ứng nguyên liệu hạn chế… Làm thế nào để cứu ngành sản xuất cá tra thoát khỏi khủng hoảng và đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) 2 tỷ USD trong năm 2012 theo kế hoạch?
Thiếu vốn và nguyên liệu
Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch XK cá tra trong quý I-2012 đạt trên 450 triệu USD, tăng 15% so với 380 triệu USD của quý I-2011. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định, cá tra là mặt hàng XK chủ lực, đóng góp rất lớn vào kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay trong quý I-2012, tình hình chế biến và XK cá tra trong nước đang gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng cùng với lãi suất còn cao và vay vốn không dễ. Thực tế cho thấy, năm 2012 đầu tư sản xuất cá tra cả nước cần khoảng 26 nghìn tỷ đồng, nhưng hầu hết các DN đều thiếu vốn, trong đó có đến 92,3% số DN có nhu cầu vay vốn ngay trong quý II-2012, mức thấp nhất 10 tỷ đồng và cao nhất 500 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn để thu mua nguyên, nhiên liệu sản xuất và XK. Hơn 50% số DN có nhu cầu vay vốn đầu tư cho vùng nuôi, trang bị máy móc, chế biến thức ăn… mức thấp nhất 2 tỷ đồng và cao nhất 300 tỷ đồng. Để đầu tư một hécta nuôi cá tra phải mất đến 5 – 6 tỷ đồng, nếu nông dân nuôi cá tra không thu được nợ từ thương lái và DN thì rất khó xoay xở để có kinh phí đầu tư cho các vụ nuôi cá tiếp theo. Ngoài ra, nếu các ngân hàng cho vay với thời hạn ngắn từ 6 – 9 tháng, nhưng thời gian nuôi cá tra kéo dài từ 8 – 10 tháng, sẽ gây khó cho nông dân trong việc quay vòng vốn. Cá tra Việt Nam hầu hết được XK sang các nước thuộc khối Châu Âu (EU), nhưng phần lớn các nước EU đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, nên việc thanh toán nợ của các DN cũng chậm hơn so với trước. Do đó, các DN kinh doanh và chế biến cá tra cũng gặp khó khăn theo trong thu hồi nguồn vốn.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương cho biết, nông dân và DN hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, làm cho việc tái đầu tư nuôi cá tra thật sự nan giải. Không chỉ vốn mà nguồn nguyên liệu phục vụ cho XK cũng đang thiếu. Năm 2012, để đạt chỉ tiêu giá trị XK cá tra 2 tỷ USD, các DN cần khoảng 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu. Nhưng hiện nay sản lượng nuôi đang giảm mạnh do nông dân thiếu vốn đầu tư và sự thay đổi bất thường của thời tiết. Ngoài ra, giá cá tra đang giảm xuống mức 23.000 – 24.500 đồng/kg, giảm từ 7 – 8% so với tháng 2; trong khi đó giá thành sản xuất đã lên đến 23.500 đồng/kg cá tra, với giá này nông dân chỉ hòa hoặc lỗ, vì vậy nhiều người nuôi bỏ ao không mặn mà. Việc thiếu nguyên liệu dẫn đến tình trạng các DN trong nước chỉ hoạt động cầm chừng với công suất 40% – 50%.
Đồng bộ các giải pháp
Để đạt mục tiêu XK cá tra 2 tỷ USD, 9 tháng còn lại của năm 2012, DN và người dân cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho người sản xuất. Hiện nay nông dân vay vốn phải thế chấp tài sản là đất nuôi trồng và các tài sản khác; nhưng cần thiết thì ngân hàng nên linh hoạt tạo điều kiện cho người nuôi cá tra vay vốn bằng hình thức tín chấp hoặc vay trên các hợp đồng đã ký giữa người sản xuất với DN để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho nông dân và DN chế biến XK cá tra, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ về vốn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết "4 nhà" trong tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá bán cho nông dân và giá trị ở thị trường xuất khẩu; các DN cần liên kết với nhau trong tiêu thụ sản phẩm, nghiêm cấm những DN làm ăn trục lợi, bán phá giá ảnh hưởng xấu tới uy tín của cá tra Việt Nam. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài những chính sách của Nhà nước, các địa phương nên hỗ trợ người nuôi áp dụng các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP, GlobalGAP… Để ngay trong năm nay sẽ có khoảng 50% – 60% sản lượng cá tra sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững. Các DN cần mở rộng thị trường XK cá tra sang các nước khác ngoài khối EU để cạnh tranh giá bán và tăng giá trị.
Quỳnh Dung
Theo Hà Nội Mới