Chỉ dẫn địa lý: Bước đệm cho thương hiệu nông sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm; bởi tâm lý chung của khách hàng khi quyết định mua sắm, lựa chọn một sản phẩm là dựa vào sự uy tín và mức độ nổi tiếng của sản phẩm đó.

Tầm quan trọng

Việt Nam được biết đến là quốc gia thuộc top đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và những biến động do dịch bệnh, địa chính trị thế giới đã đẩy vấn đề an ninh lương thực lên vị trí được quan tâm hàng đầu. Trong nước, Chính phủ Việt Nam khẳng định nông nghiệp là nền tảng, là bệ đỡ trong phát triển kinh tế quốc gia. Hàng năm, nông lâm thuỷ sản đóng vai trò chủ chốt trong kim ngạch xuất khẩu và là nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. 

Nông sản Việt thường gắn liền với một địa danh vừa thể hiện đặc thù về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vừa để thể hiện lòng tự hào về vùng quê, xứ sở với những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi. Một số nhãn địa lý nông sản nổi tiếng của Việt Nam được biết đến như: Tôm hùm Phú Yên, tôm sú Cà Mau, Thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hòa Lộc…  Những chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ sẽ được sử dụng độc quyền vô thời hạn trước pháp luật. Các bên khác khi sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu được coi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tôm sú Cà Mau đã nhận được chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Minh Phú

Năm 2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam được phía EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý, đây là cơ hội lớn cho sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Hiện tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có 110 sản phẩm được gắn chỉ dẫn địa lý, trong khi đó, các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế gồm 173 sản phẩm, cụ thể: Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định EVFTA gồm 169 sản phẩm; Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) gồm 4 sản phẩm.

“Giấy thông hành” cho nông sản Việt

Theo các chuyên gia, chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm có thương hiệu chinh phục tốt thị trường nội địa với gần 10 triệu dân và cũng chính là “giấy thông hành” cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường có yêu cầu cao như EU, Nhật Bản… Chính vì vậy mà các địa phương cũng tích cực trong việc phát triển các thương hiệu, gắn nhãn địa lý để khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương mình. Với sản phẩm cá chình bông Phú Yên là một điển hình.

Được biết, nghề nuôi cá chình trên địa bàn tỉnh Phú Yên bắt đầu rộ lên từ những năm 2000, sau đó lan rộng ra các tỉnh phía Nam và hiện nay đã phát triển ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện có hai loài nuôi chủ yếu là cá chình bông và cá chình mun (Anguilla bicolor pacifica), trong đó cá chình bông chiếm 90 – 95%. Hình thức nuôi chủ yếu là trong lồng, ao với thức ăn chính là giun ít tơ (Oligochaeta), động vật đáy và các sinh vật thủy sinh, ốc, hến, cá tạp, tép, nhuyễn thể, cá biển… Hiện nay, một số vùng nuôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá chình bông có hàm lượng đạm từ 45 – 50% giúp cá có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, giá thành lại cao, dễ bị trộn lẫn chất tăng trọng, chất cấm, chưa chắc đã đảm bảo an toàn, sạch bệnh cho đàn cá. Do đó, thức ăn công nghiệp hiện nay ở Phú Yên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong quá trình nuôi cá chình bông. 

ThS Hoàng Văn Duật, Trung tâm Tư vấn, Sản xuất, Dịch vụ và Chuyển giao công nghệ thủy sản – Viện Nghiên cứu NTTS III cho biết, từ những lợi thế của nghề nuôi cá chình bông ở vùng đất Phú Yên, việc sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên hiện nay là rất cần thiết. Bởi cá chình bông Phú Yên có chất lượng đặc trưng, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực nuôi trồng. Qua đó, giúp người nuôi, người kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên chia sẻ, việc sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm cá chình bông từ con giống, chế độ thức ăn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, xu hướng của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Vì vậy, chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên không chỉ mang đến ý nghĩa về xuất xứ hàng hóa, mà quan trọng hơn mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và góp phần quảng bá sản phẩm địa phương.

Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm “Cua Cà Mau”. Sau tôm sú, đây là sản phẩm thứ hai được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Cà Mau. Chính nhờ được bảo hộ địa lý mà sản phẩm cua Cà Mau rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng, luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, các thương lái tìm đến tận nơi sản xuất thu mua với giá cao, được tiêu thụ rộng rãi nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là cơ sở pháp lý và công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, khẳng định cua, tôm sú Cà Mau với thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương.

>> Chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ sẽ được sử dụng độc quyền vô thời hạn trước pháp luật. Các bên khác khi sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu được coi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!