Vùng biển Việt Nam có khoảng trên 1.100 km2 rạn san hô, với 240 loài, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam, nếu hệ sinh thái này bị mất, sẽ đồng nghĩa với sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Báo động chung
Rạn san hô là nơi cư ngụ của 25% các loài sinh vật biển. Các rạn san hô có giá trị cực kỳ quan trọng, như điều hòa môi trường, cung cấp dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh, địa hóa; đồng thời còn là nơi cư trú, sinh đẻ và ương nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật không chỉ vùng bờ, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa.
Theo đánh giá của TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, có thể 20 năm nữa, san hô không còn ở biển Việt Nam. Bởi hiện nay, nhìn nhận từ thực tế cho thấy, mỗi năm, Việt Nam mất hơn 50 tấn san hô, chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng. Theo các kết quả khảo sát mới nhất, rạn san hô tại đảo Cô Tô đã gần như không còn, còn ở Vịnh Hạ Long sát bờ đã “trắng” hoàn toàn.
Các rạn san hô có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái biển – Ảnh: CTV
Để xảy ra tình trạng này, có thể nói nguyên nhân là do công tác kiểm soát và bảo vệ san hô tại Việt Nam rất kém. Cùng đó, các hoạt động đánh bắt, khai thác của ngư dân cũng “góp phần” gây ra tình trạng báo động hiện nay cho san hô.
Nguy cơ tại miền Trung
TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, qua kết quả khảo sát của các nhà khoa học thì đã có 50% diện tích san hô khu vực biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị phá hủy, tương đương khoảng 400 ha. Và phải mất tầm 50 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới có thể phục hồi, vì san hô phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ lớn lên 1 – 2 cm.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển, khu vực biển 4 tỉnh miền Trung có hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng. Đây là cơ sở để giữ cho vùng biển này giàu có về nguồn lợi hải sản. Chúng tạo ra quần thể sinh vật biển phong phú, tạo ra nguồn lợi đa dạng, được coi là ngôi nhà chung của các loài hải sản. Thường ở đâu có rạn san hô sẽ có khoảng 2.500 loài sinh vật biển lưu trú. Mất rạn san hô, những loài sinh vật biển không còn nơi sinh sản, đồng nghĩa với việc các loài hải sản sẽ không còn sinh sống ở đây. Từ đó dẫn đến hệ sinh thái mất đi.
GS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho biết, theo nguyên lý tự nhiên, các rạn san hô có khả năng tự phục hồi, trứng san hô từ các rạn chưa chết sẽ phát tán ra môi trường, trôi đến và bám vào các khu vực san hô đã chết để giúp san hô mọc lại. Tuy nhiên, để san hô phát triển khỏe mạnh cần nhiều điều kiện, như: môi trường nước sạch; hệ sinh thái san hô còn nguyên vẹn với đầy đủ các sinh vật trong chuỗi thức ăn để tạo điều kiện cho các sinh vật có lợi cho san hô phát triển.
Phục hồi lại rạn san hô đang được coi là cần thiết, tuy nhiên, rất khó để trở về hiện trạng ban đầu. Theo ông Nguyễn Chu Hồi, bây giờ các phương pháp phục hồi rạn san hô nhân tạo không khó. Cần đầu tư làm cấu kiện xi măng theo các hình dáng khác nhau của các rạn, sau đó thả xuống các rạn san hô chết. Cùng với nền cũ, một thời gian sau các ấu trùng san hô bám vào đâu thì các loài sinh vật biển sẽ chui vào đó trú ngụ.
Tuy vậy, để phương pháp này hiệu quả, trước mắt phải kiểm tra chất lượng nước, xem trong nước có tồn tại hóa chất độc hại không. Đồng thời, kiểm tra lượng chất độc trong trầm tích. Tất cả an toàn mới tính đến biện pháp phục hồi. Vì nếu không thì có phục hồi cũng vô nghĩa.
>> Theo các chuyên gia, để phục hồi nhanh hệ sinh thái biển nói chung, san hô nói riêng khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, ngoài việc làm sạch nước biển, cơ quan quản lý cần triệt để cấm đánh bắt cá bằng các hình thức hủy diệt và đánh bắt cạn kiệt. Mặt khác, cần triệt để ngăn cấm việc xả thải từ đất liền. |