(TSVN) – Dự báo năm 2030, nhu cầu thủy sản làm thực phẩm trên thế giới sẽ tăng 18% so năm 2018, thủy sản nuôi chiếm khoảng 59% lượng tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu. Cơ hội mở rộng cho thủy sản Việt Nam nhưng cũng đi kèm rủi ro về sản xuất không bền vững, hệ lụy về môi trường và mất đa dạng sinh học. Nên ngành thủy sản phải đi theo lộ trình xanh, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia, phát triển xanh là mục tiêu của kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng các nguồn chất thải và giảm ô nhiễm môi trường, duy trì việc sử dụng lâu dài các nguồn nguyên vật liệu, tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Đó là chu trình sản xuất khép kín, các chất thải quay lại trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Phát triển xanh nhằm: Bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên – Nâng cao hiệu quả cạnh tranh – Tạo các thị trường mới – Tạo công ăn việc làm – Gia tăng giá trị xã hội.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản nước ta đã tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Công ty CP Vĩnh Hoàn từ năm 2008 đã xây dựng thành công chương trình “Trang trại xanh” với quy trình nuôi trồng – sản xuất cá tra khép kín, kiểm soát từ giống, nuôi trồng, thu hoạch đến chế biến, tiếp thị, bán hàng. Vĩnh Hoàn không bỏ những bộ phận của con cá tra như da, mỡ, nội tạng mà trước đây thường coi là phế phẩm. Ngoài sản phẩm fillet, Vĩnh Hoàn lấy mỡ cá sản xuất dầu; da làm da cá chiên giòn, collagen, gelatin; bong bóng và bao tử cá đông lạnh thành đặc sản.
Ảnh: Phan Thanh Cường
Ở lĩnh vực chế biến tôm, Công ty CP Việt Nam Food (VNF) và các đối tác đã nghiên cứu sử dụng enzyme để thu hồi protein trong xác, vỏ tôm. Ứng dụng công nghệ tuần hoàn tái sử dụng nước thải trong sản xuất chitin chất lượng cao bằng phương pháp hóa sinh; chiết xuất chitosan nền từ chitin và chitosan phân tử lượng thấp từ xác tôm mịn trong quá trình sản xuất SSE/Dịch đạm thủy phân. Sử dụng công nghệ sinh học để sản xuất nguyên liệu bùn thải làm phân bón vi sinh.
Tỉnh Cà Mau phát triển tôm – lúa, tôm – rừng đã bảo vệ tốt hệ sinh thái ngập mặn, tạo ra những sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, cho hiệu quả kinh tế cao. Nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất và Cà Mau đã có trên 27.500 ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn, trong đó hơn 19.000 ha được các tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển thủy sản bền vững ở huyện Hòn Đất, diện tích 5.500 ha, thực hiện trong 3 năm (từ 2023 – 2026), với tổng mức đầu tư 624 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Thế giới và đối ứng của ngân sách tỉnh.
>> Hiện, Việt Nam đang phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ (tôm - rừng, tôm - lúa…), nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường tự nhiên, giảm dịch bệnh, đảm bảo ATTP.
Ở tỉnh Trà Vinh, nhiều nông dân ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas trong thâm canh TTCT để bảo vệ môi trường. Hầm biogas bảo vệ tốt môi trường; giúp quản lý tốt các yếu tố pH, độ mặn, ôxy hòa tan, từ đó giảm rủi ro, giảm công chăm sóc và quản lý ao, tăng tỷ lệ sống cho tôm đến 94%. Tính ra lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng/ha/vụ, cao hơn gấp đôi trước đây. Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo an toàn sinh học nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cũng ở tỉnh Trà Vinh, TS Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP RYNAN Technologies Vietnam) thành lập Công ty Salicornia Ngón Biển ở huyện Duyên Hải nuôi 7,5 ha tôm với hệ thống ao nổi phủ bạt. Nước thải từ ao nuôi được xử lý rồi đưa ra khu vực trồng đước, mắm thuộc vùng ngập mặn để tiếp tục xử lý. Công nghệ mới còn có máy tự động cho tôm ăn (cho ăn theo nhu cầu của con tôm) tiết kiệm được 20% thức ăn so truyền thống, tăng hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường.
Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình quốc gia quan trọng về “Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030” và “Phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030”.
Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 được phê duyệt bằng Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022. Mục tiêu năm 2025 giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương. Tất cả các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt bằng Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022. Mục tiêu cụ thể, năm 2025 sản lượng nuôi trồng đạt 5,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 7,8 tỷ USD, tốc độ tăng giá trị NTTS trung bình 4%/năm. Năm 2030 sản lượng nuôi trồng 7 triệu tấn. Trong đó, có ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường, tạo sản lượng lớn, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
>> Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2045 là phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.
Ngày 29/7/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030”. Trong đó, nhấn mạnh đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh được nghiên cứu, áp dụng và từng bước nhân rộng. Phấn đấu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.
Nhằm thực hiện chiến lược, ngày 17/10/2022, Bộ NN&PTNT cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tập đoàn CLS đã họp bàn về giải pháp kỹ thuật cho hệ thống NAGIS giúp lập hệ thống thông tin địa lý, nhằm xây dựng bản đồ quản lý quy hoạch và giám sát hoạt động NTTS. Giám sát trên nhiều khía cạnh như diện tích, con giống, chất lượng nước. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quản lý.
Dự báo năm 2030, nhu cầu thủy sản làm thực phẩm trên thế giới sẽ tăng 18% so năm 2018, thủy sản nuôi chiếm khoảng 59% lượng tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu. Cơ hội mở rộng cho thủy sản Việt Nam nhưng cũng đi kèm rủi ro về sản xuất không bền vững, hệ lụy về môi trường và mất đa dạng sinh học. Nên ngành thủy sản phải đi theo lộ trình xanh, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO đã đề ra 3 giải pháp để ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững. Bao gồm: Tái đầu tư vào các chương trình bền vững biển và nước ngọt, đầu tư vào tăng trưởng đại dương và đảm bảo các biện pháp bảo vệ phù hợp với quản lý hiệu quả. Việc tiếp tục chuyển đổi mô hình NTTS áp dụng cho hầu hết các vùng, nhưng đặc biệt cần thiết ở các vùng mất an ninh lương thực; mục tiêu là tăng sản lượng toàn cầu từ 35% – 40% vào năm 2030, theo bối cảnh quốc gia và khu vực.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng, nước ta có mục tiêu đến năm 2030, nuôi trồng sẽ đạt 7 triệu tấn trong 10 triệu tấn thủy sản. Như thế, 70% nguyên liệu đưa vào chế biến để xuất khẩu thủy sản chính là từ NTTS, trong đó, hai mặt hàng lớn nhất là tôm và cá tra, một trong hai sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam đã đi vào kinh tế xanh nhiều năm và đang phát triển mạnh mẽ. Điều này cho thấy, xu hướng kinh tế xanh của thủy sản nước ta là tất yếu, không thể đảo ngược, sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp trong các năm tới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Lê Minh Hoan
Nông nghiệp Việt hướng đến những giá trị xanh
Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân Việt Nam mà còn nằm trong Top 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đến 190 quốc gia. Nền kinh tế toàn cầu mới đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất một cách có trách nhiệm, đặc biệt là trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải để giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, tăng cường đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng sẽ giúp đối phó các thách thức. Thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) vì một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và nâng cao giá trị là rất cần thiết, qua đó thu hút vốn đầu tư, từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam sinh thái và bền vững. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cũng đưa ra ưu tiên cao trong phục vụ lợi ích của hộ nông dân quy mô nhỏ và người tiêu dùng, phát triển hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.
Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Đồng thời, tại COP26 Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi, phát triển theo hướng sinh thái, đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho mục tiêu đó và bảo đảm lộ trình bền vững cho an ninh lương thực dài hạn của quốc gia.
Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh. Đó là nền nông nghiệp sản xuất tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm…
Sáu Nghệ