Theo phản ánh của ngư dân, từ nhiều năm nay, một số đối tượng dùng cọc tre quây bãi trên biển ngoài khu vực cống Cầm Cập (từ phường Tân Thành, quận Dương Kinh đến gần đền Bà Đế, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) cấm ngư dân vào khai thác.
Nếu muốn vào khai thác, ngư dân phải nộp lại 30 – 40% sản phẩm. Do khu vực bãi ngoài đê Cầm Cập có cọc ngăn cấm, ngư dân phải di chuyển tàu đậu gần cống Cổ Tiểu (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) cách bến Thủy Giang (phường Hải Thành) hơn 20 km (theo đường biển) để thuận tiện khai thác ở cồn cát cạnh khu vực nuôi ngao ở phường Bàng La (quận Đồ Sơn).
Dựa vào hợp đồng kinh tế, “ngăn cản” ngư dân khai thác
Hàng ngày, các tàu khai thác don, dắt rời bến từ 8 – 9h đến khoảng 14 – 15h mới trở về. Ngày nhiều, một tàu đánh bắt được hơn 1 tấn, ngày ít từ 5 – 7 tạ. Với giá từ 1.700 – 1.800 đồng/kg, trừ các chi phí, mỗi tàu thu nhập từ 400 – 500.000 đồng/ngày. Mùa chính chỉ kéo dài 2 – 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8).
Tại khu vực ven biển phía ngoài đê Cầm Cập đoạn thuộc phường Tân Thành, một hàng cọc tre cách bờ chừng 3 – 4 km, đầu buộc bao dứa, mỗi cây cách nhau chừng 30 – 50 m, kéo dài đến tận khu vực gần đền Bà Đế. Nhiều chủ tàu chủ tàu khai thác don dắt cho biết, khoảng gần 10 năm nay, một số đối tượng đóng cọc ở khu vực này rồi tự nhận bãi là của họ. Tàu thuyền muốn vào khai thác, phải nộp lại 30 – 40% sản lượng khai thác.
Các đối tượng này đưa ra hợp đồng do ông Đồng Văn Doanh, quyền Giám đốc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy (chi nhánh Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng), thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh ký với ông Trần Đức Huynh. Theo đó, từ ngày 26/8/2014, xí nghiệp giao ông Huynh quyền quản lý, nuôi và khai thác phần bãi bồi phía ngoài đê nuôi và đánh bắt don dắt trong 2 năm. Theo hợp đồng này, khu vực được xác định từ phía Đông Bắc cống Cầm Cập, vị trí km 12,2 tiến ra ngoài biển 1,5km và từ phía Đông Nam cống Cầm Cập vị trí km 14,2 tiến ra ngoài biển 1,5 km (phường Tân Thành). Trên thực tế, các đối tượng quây bãi khu vực rộng hơn so với hợp đồng. Nhiều lần ngư dân phản ánh lên UBND phường Tân Thành nhưng chưa nhận được hồi âm. Vì thế, họ phải đến khu vực khác đánh bắt được ít, hoặc vào nộp lại một phần don, dắt khai thác được.
Theo Sở NN&PTNT Hải Phòng, Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản (NTTS) Kiến Thụy chỉ được giao quản lý phần diện tích đầm nuôi thủy sản phía trong đê. Phần lớn diện tích này xí nghiệp đã cho cá nhân thuê. Từ tháng 8/2013, thực hiện Quyết định số 1464 của UBND thành phố, công trình cống Cầm Cập thuộc đê biển 1 được Xí nghiệp NTTS Kiến Thụy bàn giao về cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ. Trong khi đó, theo Điều 23 Luật Đê điều, Xí nghiệp NTTS Kiến Thụy không còn quyền quản lý hành lang bảo vệ cống Cầm Cập phía ngoài đê bãi bồi; không có quyền quản lý hành lang bảo vệ đối với cống qua đê biển được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của cống qua đê trở ra mỗi phía 50 m. Phần hành lang 200 m ra phía biển từ chân đê biển khu vực này thuộc quyền quản lý của Chi cục Quản lý đê điều thành phố. Theo Chi cục Quản lý đê điều Hải Phòng, ngoài phạm vi bảo vệ hành lang đê biển 200 m do đơn vị quản lý, phần mặt nước bãi bồi khai thác thủy sản do cấp quận, huyện quản lý. Với diện tích cho thuê lớn như trong hợp đồng, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố mới được phép ký hợp đồng cho phép khai thác mặt nước. Doanh nghiệp không có quyền này. Như vậy, việc xí nghiệp NTTS Kiến Thụy đồng ý giao cho ông Huynh quản lý phần bãi bồi mặt nước phía ngoài đê biển giáp cống Cầm Cập, diện tích chiều dài 2 km, rộng 1,5 km là không đúng quy định.
Ngư dân khai thác con don, con dắt trên sông.
Sớm giải quyết vụ việc, tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn
Theo ông Đỗ Trọng Toản, Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Dương Kinh, địa phương biết được việc cắm cọc quây bãi, bắt ngư dân nộp lại một phần hải sản khai thác được cho một số người. Tuy nhiên, do không đủ thẩm quyền, phương tiện và nhân lực nên không xử lý được. Vì ngư dân không có đơn kiến nghị bằng văn bản nên chính quyền địa phương không báo cáo cấp quận bằng văn bản mà chỉ báo cáo qua các cuộc họp giao ban. UBND quận Dương Kinh có yêu cầu phường nắm bắt thông tin và đề xuất hướng giải quyết. Tuy nhiên, do từ cuối năm 2014 đến nay, thấy khu vực này khá yên bình nên UBND phường chưa chú ý hướng giải quyết.
Theo ông Đỗ Trọng Toản, Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Dương Kinh, địa phương biết được việc cắm cọc quây bãi, bắt ngư dân nộp lại một phần hải sản khai thác được cho một số người. Tuy nhiên, do không đủ thẩm quyền, phương tiện và nhân lực nên không xử lý được. Vì ngư dân không có đơn kiến nghị bằng văn bản nên chính quyền địa phương không báo cáo cấp quận bằng văn bản mà chỉ báo cáo qua các cuộc họp giao ban. UBND quận Dương Kinh có yêu cầu phường nắm bắt thông tin và đề xuất hướng giải quyết. Tuy nhiên, do từ cuối năm 2014 đến nay, thấy khu vực này khá yên bình nên UBND phường chưa chú ý hướng giải quyết.
Theo ông Nguyễn Tự Trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hải Phòng, ngày 30/6, đơn vị yêu cầu Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng kiểm tra việc Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy (đơn vị trực thuộc) ký hợp đồng giao diện tích mặt nước nuôi, đánh bắt con don, con dắt phía ngoài đê biển tại khu vực cống Cầm Cập, báo cáo Sở trong thời gian sớm nhất. Nếu hợp đồng này trái với quy định, Sở sẽ yêu cầu công ty thu hồi ngay và có biện pháp xử lý với cá nhân, đơn vị sai phạm.
Sau khi nhận được phản ánh tình trạng cắm cọc quây bãi don, dắt cấm ngư dân vào khai thác ở khu vực ngoài đê Cầm Cập, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cử tổ công tác xuống địa bàn xác minh. Tại thời điểm kiểm tra vào chiều 30/6, vùng mặt nước phía ngoài đê có 21 cọc tre đầu buộc bao dứa, trong đó có 4 cọc thuộc địa phận quận Dương Kinh và 17 cọc bên phía quận Đồ Sơn. Những cọc này đều do ông Trần Đức Huynh (người được Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy ký hợp đồng giao diện tích mặt nước nuôi, đánh bắt con don, dắt) cho người đóng.
Nếu hợp đồng giữa Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy ký với ông Huynh không có giá trị pháp lý, đơn vị sẽ tham mưu và phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng buộc ông Huynh cho người nhổ cọc trả lại bãi tự nhiên cho ngư dân tự do ra vào khai thác.
Thời gian tới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng nơi có biên giới biển phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra khu vực nuôi ngao, quây đăng đáy… tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân được tự do khai thác ở các ngư trường, tạo điều kiện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Lương, Chủ tịch UBND quận Dương Kinh, TP Hải Phòng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc trên, UBND quận có Công văn số 990 yêu cầu Công an quận phối hợp với UBND phường Tân Thành, Trạm Biên phòng Thủy Giang kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc, báo cáo UBND quận trước ngày 10/7/2015. Trên cơ sở báo cáo của UBND phường Tân Thành và Công an quận, nếu có sai phạm, quận sẽ phối hợp với ngành NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố giải quyết triệt để sự việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.