Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh lo lắng về nguồn vốn vay hỗ trợ theo Nghị định về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) chưa được giải quyết kịp thời, trong khi đó phải loay hoay tìm vốn đối ứng.
Được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đủ điều kiện được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, ông Trần Văn Liên (xã Bình Minh, Thăng Bình) liền bán con tàu QNa-90575 có công suất 380CV để có đủ nguồn vốn ứng theo quy định được vay vốn. “Con tàu này gắn bó với gia đình chúng tôi hơn 20 năm nay. Tất cả cơ nghiệp mà gia đình tôi tạo dựng được đều từ con tàu này. Bán tàu, tôi không muốn nhưng đành đoạn vì phải có vốn đối ứng thì mới được vay vốn đóng tàu công suất lớn hơn” – ông Liên nói.
Đóng tàu công suất lớn là kỳ vọng của ngư dân – Ảnh: Q. Nguyễn
Ông Liên được vay vốn để đóng mới tàu gỗ có công suất 800 CV, giá trị tương ứng 9 tỷ đồng nên vốn đối ứng của gia đình phải có là gần 3 tỷ đồng (30% vốn). Tuy nhiên, điều ông lo ngại là khi có vốn đối ứng rồi mà ngân hàng vẫn chậm giải ngân. “Các thủ tục vay vốn quá rườm rà, ngân hàng bảo phải có thiết kế đóng tàu rồi mới trao đổi nguồn vốn vay. Điều mà tôi lo ngại nhất là thẩm định giá trị con tàu. Để đóng được tàu mới, gia đình phải chi từ 8 tỷ đồng trở lên nhưng nếu ngân hàng thẩm định giá trị con tàu dưới 8 tỷ đồng thì làm sao chúng tôi đủ vốn để hoàn thiện con tàu” – ông Liên nói.
Ngư dân Phạm Việt (xã Tam Giang, Núi Thành) cũng vừa được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. “Đóng tàu theo Nghị định 67 bắt buộc ngư dân phải lắp đặt máy thủy mới chứ không như máy cũ bấy lâu nay. Muốn mua máy thủy mới phải đặt tiền cược để giao dịch với đơn vị cung ứng từ ngoài nước. Số tiền ít nhất là 1 tỷ đồng trong khi đó ngân hàng sẽ không chấp nhận giải ngân trước để chúng tôi có vốn giao dịch – ông Việt băn khoăn. Đây cũng là tâm tư chung của gần 33 ngư dân được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Lâu nay quen sử dụng máy cũ, để chuyển sang dùng máy mới, điều ngư dân lo nhất là không thể có vốn để thỏa thuận nhập mua máy từ nước ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Khả – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, trước hết địa phương khuyến khích ngư dân làm dự toán cho con tàu được đóng mới cao nhất có thể. Đó là cách để bù trừ việc thẩm định thấp của ngân hàng. Việc giải ngân của ngân hàng qua từng bước hoàn thiện con tàu chứ không phải giải ngân một lần. Lỡ chừng, ngư dân không đủ vốn để hoàn thành con tàu đang đóng mới thì dở dang. Lo lắng của ông Khả là hoàn toàn chính đáng. Điều mà ngư dân lo nhất đến thời điểm này của quá trình thực hiện Nghị định 67 là đã bán tàu cũ, có được nguồn vốn đối ứng rồi thì đến bao giờ mới được ngân hàng giải ngân vốn để đóng được tàu mới? Trong khi đó, vụ sản xuất chính sắp sửa bắt đầu thì không còn tàu để bám biển, ổn định cuộc sống.