(TSVN) – Mặc dù khá bị động khi nhận cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thế nhưng, hơn 6 năm qua, cùng với việc nỗ lực lấy lại “thẻ xanh” cho sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam thì nghề cá và ngư dân nước ta đang dần có những chuyển biến tích cực.
Ngày 23/10/2017, EC chính thức đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” với các khuyến nghị Việt Nam khắc phục về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam. Việc này đã có ảnh hưởng không nhỏ tới ngành thủy sản nước ta bởi Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn.
Theo VASEP, “thẻ vàng” với quy trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản gặp khó. Đặc biệt, việc gần như 100% lô hàng xuất khẩu sang EU bị kiểm tra khiến doanh nghiệp gánh thêm chi phí. Nhìn rộng hơn, “thẻ vàng” cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của ngành hải sản nước ta.
Tuy nhiên, cũng chính những “lo sợ” này đã khiến cho việc chống khai thác IUU đặc biệt được coi trọng. Sự hành động thống nhất của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành đã khiến nghề cá Việt Nam dần có thay đổi tích cực. Tất cả các khuyến nghị của EC đã được luật hóa bằng việc Quốc hội thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi).
Tiếp đến, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành 8 Thông tư; trong đó, các vi phạm về khai thác IUU được quy định với khung xử phạt cao đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn. Cùng đó, Việt Nam đã hoàn tất thủ tục trở thành thành viên chính thức của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAO (ngày 3/1/2019) và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp quốc (ngày 17/1/2019).
Ngày 20/3/2020, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành văn bản về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Chỉ thị, 4 Công điện, 2 Quyết định; đồng thời trực tiếp chủ trì các cuộc họp trực tuyến và chỉ đạo với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan.
Đặc biệt, đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU, như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), kiểm soát sản lượng thủy sản cập cảng; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để tàu cá địa phương vi phạm khai thác IUU…
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tính đến hết tháng 12/2023, cả nước có 83.430 tàu cá (giảm 6.292 chiếc so với năm 2022), trong đó: Tàu từ 6 – 12m là 37.770 chiếc; tàu từ 12 – 15 m là 16.000 chiếc; tàu từ 15 – 24 m là 26.500 chiếc; tàu trên 24 m là 2.510 chiếc. Cùng với việc số lượng tàu cá giảm, dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) cũng có sự cải thiện rõ rệt so với đợt thanh tra lần thứ 3; việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá đạt tỷ lệ khá cao, gần 100%.
Hiện, đã có 12/28 tỉnh, thành phố thực hiện cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho sản phẩm xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu truy xuất nguồn gốc, số giấy chứng nhận cấp ước đạt 3.369 giấy, với khối lượng ước đạt 40.144 tấn sản phẩm thủy sản các loại.
Các địa phương công bố mở 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật (bao gồm: 3 cảng cá loại I, 60 cảng cá loại II và 17 cảng cá loại III); Công bố 52 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; 65 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng; Công bố 76 khu neo đậu tránh trú bão với tổng sức chứa khoảng 50.000 tàu cá neo đậu.
Trong hành trình hơn nửa thập kỷ chống khai thác IUU vừa qua, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, chấn chỉnh kỷ cương thì biện pháp tuyên truyền cho ngư dân được đặc biệt coi trọng, bởi việc nâng cao nhận thức của ngư dân được xác định là nhiệm vụ then chốt. Ngành chức năng đã tận tình hướng dẫn ngư dân qua các tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, hy vọng bà con ngư dân nắm được, hiểu được quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Từ đó giúp ngư dân nâng cao trách nhiệm chung tay tháo gỡ “thẻ vàng”.
Nói đến việc nâng cao nhận thức cho ngư dân có thể kể đến điển hình như tại tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, sau quá trình dài tuyên truyền, ngư dân Hà Tĩnh đã chuyển từ tập tục đánh bắt thủy sản truyền thống sang khai thác theo quy định của pháp luật. 90% tàu cá hoàn thành đăng ký, đăng kiểm; 100% có giấy phép khai thác thủy sản. Tất cả đều thực hiện nghiêm túc việc ghi chép nhật ký khai thác và lắp đặt VMS.
Tại Cà Mau, toàn tỉnh có 4.291 tàu cá, trong đó 1.565 chiếc khai thác vùng khơi. Tất cả tàu cá hoạt động trên biển đều lắp đặt VMS, đánh dấu theo quy định. Cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VNFishbase và hệ thống giám sát tàu cá.
Chia sẻ thêm về việc nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: “Phải hướng vào ngư dân, phải hiểu được người dân đang nghĩ gì và muốn gì; phải kiên trì trong tuyên truyền, qua đó thay đổi nhận thức của ngư dân trong tham gia bảo vệ tài nguyên thủy hải sản và khai thác bền vững; đồng thời tập huấn, cung cấp kỹ năng, kiến thức trong chuyển đổi nghề cho ngư dân”.
Cùng với ngư dân, nhằm chống khai thác IUU thực sự hiệu quả, đã có rất nhiều nhà máy chế biến và xuất khẩu hải sản tham gia cam kết chống khai thác IUU, không thu mua nguyên liệu khai thác bất hợp pháp… Điều này không chỉ giúp việc thực hiện các khuyến nghị của EC thực sự triệt để, mà còn là hành động chứng minh cho sự “trong sạch” của sản phẩm hải sản xuất khẩu nước ta.
>> Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Bảo Hân