Còn nhớ, trong một chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam từng đề cập đến việc khai thác, bảo tồn nguồn lợi thủy sản của các quốc gia Mỹ, Canada. Trong đó, ngư dân muốn khai thác thủy sản phải tuân thủ nghiêm những quy định hết sức ngặt nghèo như chỉ được đánh bắt đúng loài thủy sản mà mình đăng ký khai thác, chỉ được bắt thủy sản đúng kích cỡ theo quy định, sử dụng loại lưới, kích cỡ mắt lưới đúng tiêu chuẩn…
Từ ngày 1/10, cấm khai thác thủy sản tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đơn cử như đánh bắt cua biển, những quốc gia này quy định một kích cỡ cho những người đánh bắt. Các ngư dân khi bắt được cua nhỏ hơn hoặc to hơn kích cỡ quy định sẽ không được thu giữ. Đặc biệt là nhưng con cua đang trong thời gian mang trứng sinh đẻ thì tuyệt đối không được đánh bắt. Hay như đối với những người đi câu cá cũng được quy định kích cỡ loài cá được bắt. Đặc biệt, người câu chỉ được bắt cá khi lưỡi câu móc vào bên trong hoặc quanh miệng cá. Nếu móc vào các nơi khác trên người cá, bắt buộc phải thả, nếu không người câu sẽ phạm luật. Theo lý giải thì việc ban hành những quy định khắt khe, ngặt nghèo trong khai thác thủy sản là cách để những quốc gia này bảo vệ nguồn thủy, hải sản của mình. Và thành quả mà họ có được là nguồn thủy, hải sản luôn dồi dào, không bao giờ bị cạn kiệt.
Từ những kinh nghiệm, bài học của các quốc gia trên thế giới, xác định bảo vệ nguồn lợi thủy sản là việc làm vô cùng cấp thiết, năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 18- CT/TU ngày 1/9/2017 về tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh… Theo đó, những năm qua, Quảng Ninh đã yêu cầu thủ trưởng sở, ngành, đơn vị liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác tận diệt như sử dụng nghề kéo giã có sử dụng kích điện, nghề cào ven bờ, đánh bắt bằng lồng bát quái, nghề đăng đáy, nghề te xiệp, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại…, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Để công tác này đạt hiệu quả, Quảng Ninh còn thành lập đường dây nóng với số điện thoại 0203.383.1313 và 094.554.1313 để tiếp nhận phản ánh của người dân khi phát hiện những trường hợp sử dụng các phương tiện đánh bắt mang tính tận diệt.
Và gần đây nhất, ngày 14/9, UBND TP Hạ Long đã có Thông báo số 554/TB-UBND về việc không được thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Theo thông báo này thì từ ngày 1/10/2018, các tổ chức, cá nhân sẽ không được thực hiện hoạt động khai thác thủy sản dưới mọi hình thức tại các điểm tổ chức cho khách tham quan du lịch, hang động, bãi tắm, luồng đường thủy, tuyến du lịch và các khu vực được cấp có thẩm quyền quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái trên Vịnh Hạ Long; không được thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (trừ nghề câu, lặn giải trí, sử dụng ngư cụ truyền thống phục vụ du lịch trải nghiệm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép). Các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, kể cả bị áp dụng biện pháp tịch thu, tiêu hủy đối với các phương tiện ngư cụ, công cụ sử dụng để khai thác thủy sản tại các khu vực nêu trên.
Có thể nói, những quy định mà Quảng Ninh đưa ra để bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hết sức cụ thể, nghiêm khắc. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng phương tiện, ngư dân vi phạm các quy định trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn khá nhiều, cho thấy ý thức chấp hành của ngư dân còn chưa tốt. Đơn cử, chỉ tính từ tháng 4 đến hết tháng 8/2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 2.063 vụ vi phạm sử dụng công cụ cấm trong khai thác thuỷ sản, xử phạt trên 7,5 tỷ đồng.
Nhìn vào con số trên cho thấy, để bảo vệ được nguồn lợi thủy sản thì không chỉ có luật lệ nghiêm, mà còn rất cần ý thức tốt của người dân. Và để hình thành nên ý thức tốt của người dân thì lại cần có việc kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm minh của các lực lượng chức năng.