Chủ động đối phó với lạm phát

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022. Tuy nhiên, tình hình thế giới cũng cho thấy những thách thức về lạm phát và tiêu thụ sản phẩm.

Tăng trưởng nhanh

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; với kim ngạch đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so cùng kỳ năm 2021. Đóng góp vào thành tựu này là sự tăng trưởng ấn tượng của hai nhóm hàng chủ lực là tôm và cá tra. Con tôm đóng góp khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, sau chặng đường 9 tháng đã mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so cùng kỳ năm 2021. Điểm sáng nhất là thuộc về cá tra, với giá xuất khẩu bình quân sang các thị trường trong 9 tháng đầu năm nay đều tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng qua, cá tra đã mang về doanh thu xuất khẩu 2 tỷ USD, tăng 82%. Bên cạnh đó, với kim ngạch mang về 729 triệu USD, tăng 55% so cùng kỳ, xuất khẩu cá ngừ cũng góp phần không nhỏ tạo “lực kéo” cho toàn ngành. Nhóm sản phẩm từ các loài cá biển khác mang về kim ngạch 1,35 tỷ USD, tăng 23%. Những sản phẩm như cá cơm, cá nục, cá hồi, surimi đóng góp doanh số từ 100 – 300 triệu USD…

Lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản. Ảnh: Undercurrentnews

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ chiếm ngôi đầu bảng, với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22% cùng kỳ. Theo nhận định của VASEP, nhập khẩu thủy sản của Mỹ sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi mà lạm phát giá thực phẩm nói chung, thủy sản nói riêng làm cho thị trường này chao đảo hơn, đồng thời cũng bước vào chu kỳ tăng nhu cầu cho dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới. Lực đẩy cho thủy sản vào Mỹ còn nhìn thấy từ việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết quả cuối cùng của cuộc rà soát quản lý thuế chống bán phá giá lần thứ 18 (POR18). Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho từng công ty dựa trên kết quả của POR17. Do đó, quyết định này không ảnh hưởng đến xu hướng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm nay.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang khối các nước thuộc Hiệp định CPTPP đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%; đây cũng đang là điểm sáng đối với xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam. Theo VASEP, ngoài tác động do lạm phát khiến người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm có giá vừa phải như cá tra, thì thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định CPTPP cũng là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.

Ảnh hưởng lạm phát

Chiến tranh tại châu Âu đã ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế thế giới. Tại thị trường Mỹ, tỷ lệ lạm phát hàng năm tới tháng 6/2022 lên tới 9,1% là mức kỷ lục từ năm 1981.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro cũng tăng cao kỷ lục trong tháng 7/2022, với mức 8,9%. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU tháng 7, mức tăng trưởng hạ xuống còn 18%.  Xuất khẩu thủy sản sang Anh quý II năm nay đã giảm 12%, sang tháng 7 tiếp tục giảm 18%.

Như vậy, sau khi tăng trưởng kỷ lục 40% trong nửa đầu năm, từ tháng 7/2022 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm tại Mỹ, EU, Anh do lạm phát và kinh tế bị ảnh hưởng do chiến tranh và COVID-19.

Tập trung “về đích”

Theo Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của EU công bố ngày 1/7, lạm phát châu Âu đã xác định từ 8,5% đến 8,6%. Lần đầu tiên trong 20 năm đồng Euro mất giá so với đồng USD.

Đại diện VASEP cho biết trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, trong 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg. Giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay (trước đây cá tra xuất khẩu vào Mỹ thường chỉ đạt từ 2,9 – 3,1 USD/kg).

Với việc chủ động nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, các chỉ số tiêu dùng trong nước vẫn ở mức ổn định và thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam đang tăng tốc để đạt các mục tiêu xuất khẩu trong năm 2022.

 Dù mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng gần đây có xu hướng giảm dần, nhưng VASEP dự báo đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành và mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra từ đầu năm. Tháng cuối cùng của năm 2022 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch.

>> Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá vàng tháng 9/2022 giảm 1,71% so với tháng trước; tăng 1,34% so với tháng 12/2021; tăng 4,06% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 6,22%. Chỉ số USD tháng 9/2022 tăng 0,53% so tháng trước; tăng 2,87% so tháng 12/2021 và tăng 3,45% so cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 0,7%.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!