Bên cạnh những thắng lợi lớn trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, ngành thủy sản vẫn đang đối diện với thực tế từ những ảnh hưởng bất lợi từ dịch bệnh. Công tác này luôn được coi trọng, nhưng cân nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Vẫn là tôm nước lợ
Thông kê về tình hình dịch bệnh trên thủy sản của cả nước của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, năm 2014, cả nước có 59.579 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại (gồm 28.017 ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến; 31.562 ha thâm canh và bán thâm canh) do nhiều nguyên nhân khác nhau (chiếm 8,75% diện tích nuôi tôm cả nước). Bệnh trên tôm hùm xuất hiện tại rải rác tại 15.291 lồng, chủ yếu là bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, long đầu, còi.
Trong các loài thủy sản, tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại lớn nhất, diễn biến rất phức tạp và xảy ra trên diện rộng (chủ yếu bị bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và do ô nhiễm môi trường); sau đó, là cá tra, ngao và các đối tượng nuôi khác.
Cụ thể, bệnh đốm trắng xảy ra tại 259 xã, 73 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 23.850 ha (chiếm 3,5% tổng diện tích thả nuôi). Bệnh xảy ra trên cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tôm có độ tuổi 10 – 110 ngày sau thả. Tôm sú là đối tượng nuôi bị thiệt hại lớn nhất với diện tích 14.660 ha, chiếm 61,48% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng; còn lại là 9.190 ha TTCT tương đương 38,53% tổng diện tích bị bệnh.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 237 xã, 62 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 5.509 ha (chiếm 0,81% tổng diện tích thả nuôi); Bệnh xảy ra trên cả TTCT và tôm sú có độ tuổi 10 – 103 ngày sau thả; diện tích thiệt hại chủ yếu trên TTCT (3,421 ha, chiếm 62% tổng diện tích bị bệnh).
Năm 2014, 28.017 ha nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại do dịch bệnh – Ảnh: Máy Cày
Với cá tra, dịch bệnh đã xuất hiện tại 67 xã thuộc 19 huyện của 4 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang, với tổng diện tích bị bệnh trên 730 ha (chiếm 12% tổng diện tích nuôi). Phổ biến nhất là bệnh gan thận mủ, tỷ lệ cá chết khi nhiễm bệnh này có thể lên tới 90%; bên cạnh đó, các bệnh khác như xuất huyết, nhiễm khuẩn… Đáng lưu ý, dịch bệnh trên cá tra đang có nguy cơ trở thành rào cản khiến cho sản phẩm cá tra Việt Nam khó vào các thị trường. Trước tình hình đó, Kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh trên cá tra, giai đoạn 2015 – 2020 đã được ban hành. Mục tiêu, từng bước kiểm soát, khống chế không để các bệnh truyền nhiễm lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi và ngân sách Nhà nước, cũng như đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam. Theo đó, năm 2015 ít nhất 80% và sau đó hàng năm 100% cơ sở nuôi cá tra được giám sát và kiểm soát việc sử dụng thuốc kháng sinh, vắc-xin; đối với ổ dịch bệnh gan thận mủ, đến năm 2015, giảm 50% so năm 2014, đến năm 2016 giảm 70% và 2017 – 2020 giảm 90%.
Về công tác phòng chống dịch bệnh thú y thủy sản năm qua tại các tỉnh phía Nam, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã chuyển từ thế bị động sang chủ động bằng các biện pháp như lấy mẫu giám sát thường xuyên, tiến hành lập bản đồ dịch tễ, chú trọng công tác chích ngừa, vệ sinh thú y, hướng dẫn các địa phương phòng ngừa đúng các tác nhân gây bệnh; phát hiện các ổ dịch sớm từ cơ sở để có biện pháp khoanh vùng, dập dịch ngay để tránh lây lan trên diện rộng; có các biện pháp đồng bộ để phòng, chống dịch bệnh; các địa phương đã chủ động bố trí nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh mà không trông chờ vào nguồn kinh phí Trung ương.
Phòng ngừa là chính
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2015, ông Dương Tiến Thể, Cục phó Cục Thú y chia sẻ, công tác thú y tiếp tục nghiên cứu tác nhân và con đường lây bệnh đốm trắng, gan tụy cấp ở tôm; thực hiện quan trắc môi trường thủy sản, hướng dẫn mùa vụ nuôi; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở; rà soát và giảm thủ tục hành chính, phí và lệ phí thú y hiện nay.
Đồng thời, Cục Thú y và Hiệp hội Cá tra Việt Nam cùng hợp tác phòng chống dịch bệnh trên cá tra. Hiệp hội cần tổ chức vận động các thành viên thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, giám sát, phản biện những quy định của Nhà nước liên quan đến phòng chống dịch bệnh, tiên phong trong việc xây dựng các mô hình phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Mặt khác, rà soát, đầu tư, nâng cấp các phòng thử nghiệm của địa phương đạt chuẩn theo quy định. Rà soát, chấn chỉnh công tác kiểm dịch thủy sản đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản giống lưu thông trong nước, giảm thiểu thủ tục, tránh gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển thủy sản giống đi tiêu thụ; xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án, kế hoạch giám sát dịch bệnh, quan trắc cảnh báo môi trường để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; tổ chức thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y để tránh các chất tồn dư, ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm thủy sản; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, hóa chất cải tạo môi trường thủy sản; phòng chống dịch bệnh; kiểm dịch thủy sản và tổng hợp thông báo định kỳ, đột xuất về Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) để phối hợp xử lý vi phạm.
>> “Năm 2015, công tác thú y phải chuyển từ bị động sang chủ động, với phương châm phòng ngừa từ xa là chính; tập trung chuyển hướng kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào và tăng cường kiểm soát sản phẩm thành phẩm các sản phẩm nông nghiệp cả cho cả xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám. |