(TSVN) – Thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước thay đổi đã làm dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh. Để có vụ nuôi tôm thành công, cơ quan chuyên môn và các địa phương ven biển trên cả nước đang tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tăng cường quản lý tại các vùng nuôi tôm.
Nguồn nước ô nhiễm, tôm bị dịch bệnh, người dân các địa phương ở Quỳnh Lưu giảm mạnh diện tích tôm nuôi. Theo số liệu từ phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, vụ tôm xuân hè năm nay tổng diện tích nuôi tôm toàn huyện là 465 ha, hiện nay đã thả được khoảng 50%, một số vùng chỉ được khoảng 20 – 30%.
Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Quỳnh Bảng có 100 ha, với 80 hộ nuôi, chia làm 3 khu vực nuôi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu vực xuống giống nhiều nhất cũng chỉ đạt tỷ lệ 50%, khu vực thấp nhất chưa đầy 20%. Nhiều ao tôm bỏ hoang, rong rêu mọc đầy, hoang hoá.
Nhiều ao tôm sau khi xử lý cũng đành “phơi” ao do thiếu nguồn nước đảm bảo để xuống giống lần khác. Máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm như: máy bơm, quạt sục khí, thuyền… để sét gỉ, hư hỏng.
Hiện tại, toàn xã Quỳnh Bảng có trên 20 ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Liên tiếp thua lỗ, khó khăn về nguồn nước, dịch bệnh, giá thức ăn cho tôm tăng cao nên nhiều hộ dân đã san lấp ao để chuyển đổi sang các vật nuôi khác.
Tổng diện tích nuôi thủy sản mặn lợ của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong là trên 189 ha với trên 150 hộ nuôi. Trong đó nuôi tôm khoảng 100 ha, còn lại là nuôi xen ghép tôm – cua – cá. Đến thời điểm này các hộ nuôi đã thả giống được trên 70% diện tích.
Hiện tại, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, nắng nóng xen kẽ mưa giông nên môi trường ao nuôi thường xuyên biến động làm phát sinh dịch bệnh. Đã có một số ao nuôi xuất hiện hiện tượng tôm chết với diện tích bị bệnh 2 ha. Nguyên nhân tôm nuôi bị mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là toàn tỉnh đang vào vụ nuôi tôm chính, diện tích thả nuôi lớn, thời tiết thay đổi thất thường và với tính chất nguy hiểm, diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao.
Do vậy, cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi và các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức và ý thức về phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đặc biệt là không giấu dịch, thông báo tình hình dịch bệnh với cơ quan chuyên môn hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ vùng nuôi.
Sở NN&PTNT Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương chủ động nắm bắt tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi nhằm khống chế, bao vây dịch khi còn ở diện hẹp.
Trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi tôm, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản theo quy định, đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung đối tượng chủ lực của tỉnh, đối tượng có giá trị kinh tế để cảnh báo, chủ động ứng phó với các điều kiện môi trường bất lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng.
Tính từ đầu vụ đến nay, nông dân tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng với số lượng hơn 850 triệu con tôm sú, diện tích hơn 16.136 ha và hơn 3,217 tỷ con tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 3843 ha; trong đó có gần 600 nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.
Tuy nhiên, Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết, tuần vừa qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục có mưa to và mưa trên diện rộng làm biến động lớn môi trường nước trên các nhánh sông và ao nuôi, nhất là lượng tạp chất theo nguồn nước mưa pha trộn môi trường nước ao nuôi gây bất lợi lớn cho sức khỏe tôm nuôi.
Cụ thể, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các bệnh đốm trắng, đỏ thân, bệnh đường ruột trong giai đoạn 30 – 55 ngày tuổi. Tổng diện tích tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại về thời tiết, biến động môi trường nước đến nay đã có hơn 651 ha 538, tăng gần 120 ha so với tuần trước đó.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết, hiện cán bộ kỹ thuật đơn vị đã được tăng cường xuống các địa bàn để cùng Phòng NN&PTNT huyện vùng ven biển hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện biện pháp phòng bệnh cho tôm nuôi.
Cán bộ kỹ thuật kết hợp chính quyền địa phương vận động nông dân thường xuyên theo dõi, quan trắc môi trường nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi. Khuyến cáo nông dân nuôi tôm thâm canh không sử dụng công nghệ cao phải tuân thủ tuyệt đối lấy nguồn nước cấp vào ao lắng để xử lý trước khi đưa vào ao nuôi; vận hành tốt hệ thống quạt oxy để hạn chế thấp nhất biến động xấu môi trường nước ao nuôi; xử lý nước ao thải đảm bảo đúng kỹ thuật trước khi đưa ra môi trường bên ngoài tránh các mầm bệnh phát sinh.
Ngọc Diệp
Tổng hợp