(TSVN) – Năm 2021, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng đều đạt được con số ấn tượng trong xuất khẩu. Tuy nhiên, với những khó khăn được dự báo trước, trong năm 2022, ngành hàng này sẽ phải làm gì để có thể tiếp tục xác lập thêm kỷ lục mới? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có những giải đáp.
Thưa Thứ trưởng, nền kinh tế trong năm 2022 được dự báo tăng trưởng trở lại trong bối cảnh “bình thường mới”, ông dự báo thế nào về tiềm năng xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2022?
Ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2021 khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,89 tỷ USD, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu của Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp 42 tỷ USD. Nhưng năm nay, xuất khẩu nông nghiệp đã đạt 48,6 tỷ USD, vượt trên 6 tỷ USD so với chỉ tiêu của Chính phủ.
Sang năm 2022, hướng xuất khẩu thủy sản cũng vẫn rất rõ vì chúng ta đã có chiến lược phát triển, có 10 đề án thực hiện chiến lược, trong đó có cả khai thác và nuôi trồng. Giá trị xuất khẩu tôm trong Kết luận 79 của Chính phủ đã có quyết định thực hiện của Bộ NN&PTNT, sẽ đẩy mạnh ở tất cả các lát cắt, kể cả nuôi biển, nuôi nội đồng và khai thác, phấn đấu đạt kim ngạch 9 tỷ USD.
Đây là mục tiêu của Tổng cục Thủy sản, còn đương nhiên Bộ NN&PTNT sẽ cân nhắc trên cơ sở chỉ tiêu của Chính phủ giao. Ví dụ năm nay là 48,6 tỷ USD thì sang năm toàn ngành nông nghiệp sẽ là bao nhiêu tỷ. Chúng ta sẽ rà soát lại trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp là những trụ đỡ, những mũi nhọn trong nông nghiệp và phấn đấu hết sức quyết liệt để đạt mục tiêu đó. Vì chúng ta biết rằng xuất khẩu nông nghiệp là xuất khẩu của người dân, còn xuất khẩu FDI dù có lớn bao nhiêu thì chúng ta chỉ có một phần trong đó.
Thưa Thứ trưởng, hiện nay, thị trường xuất khẩu của nước ta đang ngày càng đặt cao hơn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản. Bộ NN&PTNT có chỉ đạo như thế nào để sắp tới thủy sản Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe này?
Trước hết, chúng ta phải thấy tái cơ cấu mang lại giá trị gia tăng và nâng cao giá trị gia tăng. Tái cơ cấu là nền tảng cho cả đầu tư trong nước và xuất khẩu. Với các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, khi thực hiện 16 FTA, chúng ta đã có khái niệm về nó rồi. Giờ chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì như nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “Khi gieo hạt chúng ta đã phải tính đến thị trường rồi”. Các thị trường đều có quy chuẩn riêng, các doanh nghiệp, trang trại, người nông dân đều hiểu giờ mang ra thị trường bán cái gì người ta cần chứ không phải bán cái gì chúng ta có. Sự bắt nhịp rất nhanh, chính vì thế mà chúng ta có giá trị xuất khẩu lớn năm 2021 là 8,89 tỷ và 196 thị trường. Do vậy, chúng ta có niềm tin với sản xuất, với doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng ta không thể nào yên tâm cái gì đã có và yêu cầu của các thị trường liên tục thay đổi. Chúng ta phải có đủ năng lực để phản ứng với những thay đổi đó nhằm duy trì đà tăng trưởng, duy trì giá trị xuất khẩu mỗi năm tăng hơn. Đúng như người ta nhận định “Việt Nam sẽ trở thành bếp ăn của thế giới”.
Với các FTA, trong năm 2022 và thời gian tới làm thế nào chúng ta tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định này, thưa Thứ trưởng?
Như tôi đã nói, ngoài tái cơ cấu trên 3 sản phẩm là sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm OCOP thì chúng ta tập trung vào hạ tầng, tập trung vào khoa học công nghệ, chế biến… Tất cả những giải pháp đấy giúp nông nghiệp Việt Nam chuyển nhanh sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, nguồn lực rất lớn mà chúng ta xác định là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Vì mỗi thị trường nhập khẩu thủy sản chúng ta đều phải truy xuất được nguồn gốc, phải đảm bảo an toàn thực phẩm và phải phòng, chống được dịch bệnh. Ví dụ, thị trường Trung Quốc hướng tới “zero COVID”, trong khi Việt Nam đang nới lỏng khi mà tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, với những quy định khác nhau nên chúng ta phải thích ứng được với tất cả các thị trường. Như tôi vừa nêu, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những thị trường lớn, chúng ta không để ùn tắc nông sản và phải xuất khẩu chính ngạch với giá trị cao, chủ động.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Phan Thảo
(Ghi)