(TSVN) – Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (9/8) áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 năm 2022, có tên quốc tế là Mulan. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt thông tin về cơn bão trên biển Đông để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Để chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, sáng ngày 9/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Đối với các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới được xác định từ vĩ tuyến 14,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 110,0 đến kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Dự báo hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của bão số 2. Ảnh: KTTVTU
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các tàu vận tải và hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu cá; tổ chức gia cố, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản.
Theo Báo cáo nhanh số 274 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng, đến 7 giờ ngày 9/8, lực lượng biên phòng đã hướng dẫn cho 52.108 tàu với 229.262 người chủ động di chuyển phòng tránh áp thấp nhiệt đới, trong đó: hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa): 298 tàu với 2.137 người; hoạt động tại khu vực khác: 7.927 tàu với 38.979 người; neo đậu tại các bến: 43.883 tàu với 188.146 người.
Tàu cá neo đậu tránh trú bão. Ảnh: Đinh Hùng
Hiện còn 18 tàu với 113 người ở vùng nguy hiểm (Đà Nẵng: 17 tàu, 105 người; Bình Định: 1 tàu, 8 người).
Tại Hà Tĩnh
Vào lúc 16 giờ 5 phút ngày 8/8, tàu cá của ông Nguyễn Văn Hải (trú tại thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mang số hiệu HT 20408 TS hoạt động nghề câu tại vùng lộng biển Hà Tĩnh, trên tàu gồm có 5 thuyền viên (4 nam và 1 nữ), trong quá trình đánh bắt và di chuyển cách bờ khoảng 20 hải lý thì phương tiện bị hư hỏng máy, không di chuyển được. Chủ phương tiện chưa liên lạc được các phương tiện lân cận để hỗ trợ lai dắt trong khi thời tiết trên biển đang sóng to gió lớn.
Hiện, địa phương đã có công văn hỏa tốc đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu cá HT 20408 TS bị nạn trên biển Hà Tĩnh.
Tại Quảng Bình
Tàu QB 98084 TS với 4 ngư dân gặp sự cố tại toạ độ 15,13 độ Vĩ Bắc – 109 độ Kinh Đông do hỏng hộp số nên để thả trôi; còn tàu QB 98215 TS có 5 ngư dân bị hỏng máy. Hai tàu này yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp do gió mạnh cấp 5, cấp 6, hiện đang được tàu cảnh sát biển CS-2014 và tàu kiểm ngư KN-336 lai dắt, dự kiến cập bờ trong ngày hôm nay (9/8).
Tại Đà Nẵng
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp, mưa diện rộng, lũ quét và sạt lở đất, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển biết tin vùng áp thấp để chủ động phòng tránh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết; thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai TP Đà Nẵng.
Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa; thông báo cho nhân dân biết tin vùng áp thấp, dự báo mưa, lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó; rà soát phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản, đặc biệt là tại các khu dân cư vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét…
Minh Hiếu
Tổng hợp