Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Là một ngành kinh tế mũi nhọn, ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, ngành thủy sản bên cạnh những kết quả đã đạt được thì lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang đối mặt nhiều thách thức trong đó có việc suy giảm nguồn lợi. Theo đó, việc tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt dần đang trở thành một vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà là câu chuyện mang tính toàn cầu hiện nay.

Đây cũng là mục tiêu chính của Dự thảo Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 được Bộ NN&PTNT xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt.

Nguồn lợi suy giảm

Hiện, ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng khai thác quá mức, sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa, phát triển du lịch ở vùng ven biển, hàng hải; tình trạng san lấp, lấn biển để xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương diễn ra hết sức phức tạp…

Kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện cho thấy, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 là 3,95 triệu tấn, suy giảm 22,1% so giai đoạn 2000 – 2005 và giảm 9,5% so giai đoạn 2011 – 2015. Nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi đều có chiều hướng suy giảm (giảm tương ứng: 12%; 11,9% và 7,1%). 

Còn trong vùng nội địa, các nghiên cứu tại một số thủy vực cho thấy, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm với những nguyên nhân chủ yếu là: nhiều hoạt động kinh tế – xã hội phát triển trên vùng lưu vực, xả chất thải chưa qua xử lý ra các thủy vực gây ô nhiễm môi trường; xây dựng các công trình thủy điện làm mất nơi sống của thủy sản; đánh bắt thủy sản quá mức, sử dụng các ngư cụ có kích cỡ mắt lưới nhỏ hơn quy định và phương thức khai thác có tính hủy diệt như xung điện, dòng điện. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người dân, công tác kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm và đặc biệt là công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản cần được thực hiện thường xuyên hằng năm. Những nguyên nhân nêu trên đã trực tiếp, gián tiếp tác động đến sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động được tổ chức thường niên tại nhiều địa phương trong cả nước. Ảnh: Sở NN&PTNT Thanh Hóa

Tăng cường bảo vệ, khôi phục

Dự thảo Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025:

– Thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đưa tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,4% diện tích vùng biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương.

– Trữ lượng nguồn lợi thủy sản được duy trì tương đương với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 – 2020. 

– Phục hồi 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển. 

– Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tổ chức thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– 5% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thủy vực tự nhiên.

– Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản được xây dựng hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Và đến năm 2030:

– Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

– Trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 – 2020.

– Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW. 

– Phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển. 

– Ít nhất 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

– 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thủy vực tự nhiên.

– Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể trong đó có việc tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; tổ chức quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn đất ngập nước; tổ chức thực hiện một số biện pháp bảo vệ, bảo tồn, lưu giữ giống gốc của các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. 

>> Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm thực hiện các quy định chống khai thác IUU để gỡ “thẻ vàng” EC mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sống dựa chủ yếu từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong tương lai. 

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!