Chuỗi liên kết cá tra đổ bể ở An Giang nay ra sao?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 25/6/2024, Agribank An Giang mời các hộ tham “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco” gặp để tìm giải pháp xử lý khoản vay nhưng vẫn chưa có quyết định gỡ được sự đổ bể kéo dài gần 8 năm nay.

Như thông tin Thủy sản Việt Nam đã đưa, đây là chuỗi liên kết thí điểm theo chủ trương của Chính phủ, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh An Giang cho phép Tafishco thực hiện cùng các hộ nuôi cá, từ tháng 8/2015. Phương thức: nông dân ký hợp đồng vay tiền với Agribank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà nhận bằng thức ăn cho cá từ doanh nghiệp được chỉ định; sau đó, người dân thu hoạch cá giao cho Tafishco chế biến xuất khẩu và Tafishco trực tiếp trả nợ ngân hàng. Tiền thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành cá tra; còn 30% là giống, thuốc thú y, nhân công do người dân đầu tư và lợi nhuận (nếu có) cũng được nhận từ Tafishco. 

Chuỗi liên kết có tổng mức phê duyệt cho vay 416 tỷ đồng, gồm mức vay cho vùng nuôi của Tafishco là 116 tỷ đồng và vùng nuôi của 30 hộ dân là 300 tỷ đồng. Thời gian triển khai thí điểm cho vay chuỗi liên kết sản xuất kết thúc vào năm 2016, sau đó được địa phương đề xuất gia hạn đến năm 2018. Mấy vụ đầu khá thuận lợi, đến ngày 17/11/2016, vợ chồng chủ Tafishco bỏ trốn ra nước ngoài ôm theo gần 82 tỷ tiền cá của dân và để lại khoản nợ của các hộ dân với Agribank An Giang hơn 78 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2017). Còn dư nợ của Tafishco tại Agribank An Giang hơn 449 tỷ đồng, có khoản nợ được Tafishco vay gần ngày vợ chồng ông bà chủ bỏ trốn. Do đó, món nợ chuỗi liên kết cá tra với ngân hàng không quá lớn nhưng lại khó giải quyết.

Ngày 13/2/2017, UBND tỉnh An Giang thành lập tổ xử lý nợ 441 do Giám đốc Sở Công Thương làm Tổ trưởng, có đại diện nhiều ban ngành. Tổ xử lý nợ 441 tham mưu cho UBND tỉnh An Giang đề xuất phương án giải quyết: Agribank An Giang tiếp tục thu nợ từ Tafishco như quy định của chuỗi. Nhưng tháng 7/2017, Ngân hàng Nhà nước không phê duyệt phương án đó mà chỉ đạo Agribank An Giang thu nợ từ các hộ dân, nếu các hộ dân cam kết trả nợ thì mới được giải chấp tài sản để tiếp tục vay vốn nuôi cá. Các hộ dân phản đối vì cho rằng như thế là một món nợ phải trả hai lần và cũng không có tiền để trả. 

Ông Trần Văn Tưởng vốn khá giả ở xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) vì tham gia chuỗi Tafishco mà nghèo, ao bỏ hoang nay muốn bán cũng không được

Ông Trần Văn Tưởng 78 tuổi, thương binh 2/4, ở ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) là người nuôi cá giỏi, khá giả nên được chọn tham gia chuỗi liên kết, nay nghèo khó vì không còn được ngân hàng cho vay vốn nên hàng chục ao bỏ hoang. Ông Tưởng chua xót kể: “Lúc vợ chồng chủ Tafishco trốn ra nước ngoài, tiền bán cá họ còn nợ tôi gần 7,2 tỷ đồng. So với dư nợ vay thì tôi chỉ còn thiếu ngân hàng 43 triệu đồng. Tôi đồng ý trả hết phần nợ này cho ngân hàng để lấy tài sản thế chấp ra, tiếp tục vay vốn nuôi cá tiếp nhưng ngân hàng không đồng ý”.

Hàng chục ao nuôi cá của ông Lê Quang Vinh bị bỏ hoang lâu năm cỏ mọc um tùm 

Ông Lê Quang Vinh ở ấp Hòa Phú 3, thị trấn An Châu (Châu Thành, An Giang) bày tỏ thêm, được vào chuỗi liên kết thì người nuôi cá được cấp hạn mức tín dụng cao hơn vay thông thường với lãi suất thấp, đây là điều mơ ước của người nuôi cá nhưng ngờ đâu lại lâm cảnh nợ nần, nguy cơ trắng tay. Ông Vinh kể, ngày vợ chồng chủ Tafishco bỏ trốn, ông đã bán cá trên 9,7 tỷ đồng, so với dư nợ tại ngân hàng thời điểm đó thì ông còn thừa trên 100 triệu đồng. Nhưng mới đây, Agribank An Giang thông báo, số dư nợ vay trên chưa được cấn trừ vào tiền bán cá nên lãi suất đã phát sinh trên 7 tỷ đồng. Như vậy, nếu cộng cả lãi và gốc thì ông mang nợ gần 17 tỷ đồng, tương tự phải trả nợ 2 lần cho một khoản vay.

Khoản vay của các hộ nuôi cá, đến thời điểm 28/7/2017, ngân hàng đã giải ngân cho 12 hộ gần 130 tỷ đồng. Trong đó, 4 hộ có số tiền bán cá mà Tafishco còn nợ cao hơn dư nợ vay 5,2 tỷ đồng; 6 hộ có số tiền bán cá mà Tafishco còn nợ thấp hơn dư nợ vay gần 21 tỷ đồng và còn lại 2 hộ có quan hệ công nợ riêng với Tafishco và Agribank An Giang.

Các hộ tham gia chuỗi liên kết cho biết, trong gần 8 năm qua, Agribank An Giang nhiều lần mời gặp mặt trao đổi nhưng không đồng ý với cách giải quyết mà Tổ 441 và UBND tỉnh An Giang đề xuất. Còn 20 ha ao nuôi cá của 12 hộ tham gia chuỗi liên kết thì bị bỏ hoang vì không được tiếp tục vay vốn; tài sản nhà, đất của các hộ đều thế chấp hết ở ngân hàng, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Kết thúc buổi gặp mặt ngày 25/6/2024, Agribank An Giang vẫn chưa đưa ra quyết định hỗ trợ các hộ dân. Nên các hộ tham gia chuỗi liên kết để hy vọng khá giả lại tiếp tục chìm trong lo âu nợ nần chồng chất, bế tắc đường làm ăn sinh sống.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!