Từ khi bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cũng như các địa phương ven biển đã đồng lòng, chung sức hành động với những giải pháp quyết liệt, triệt để nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của EC…; hướng tới một nghề cá khai thác hiệu quả, bền vững.
Khai thác thủy sản của ngư dân hiệu quả và bền vững, đúng quy định
Để khai thác đúng quy định
Xác định việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC là cơ hội để Việt Nam xây dựng một ngành thủy sản phát triển hiệu quả, đồng bộ nên từ năm 2017, nhiều hoạt động từ Trung ương đến các địa phương được triển khai tích cực với nỗ lực cao nhất và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể như: Đã cơ bản đưa các quy định của quốc tế, khu vực vào Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về IUU; tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển của các nước khu vực Thái Bình Dương cơ bản chấm dứt; có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản…
Mới đây, vào đầu tháng 5/2019, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3483/VPCP-NN gửi các bộ, ngành liên quan; UBND các địa phương ven biển yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Giao thông vận tải; Thông tin và truyền thông, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt,có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017, Quyết định số 78/Q Đ-TTg ngày 16/1/2018, Công điện số 1275/CĐ-TTg ngày 19/9/2018 và các văn bản liên quan khác. Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT để sớm bố trí kinh phí thực hiện Dự án thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 11333/VPCP-NN ngày 21/11/2018.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ướng cần xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt tập trung ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 45,có biện pháp xử lý nghiêm đối với địa phương tiếp tục để tái diễn các vụ việc tàu cá và ngư dân vi phạm. Chủ động tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực nâng cao công tác phòng, chống khai thác IUU đạt hiệu quả, tiến tới sớm chấm dứt tình trạng khai thác IUU tại địa phương. Trên cơ sở đó chủ động tập trung chuẩn bị tốt, đầy đủ các công việc liên quan đến việc làm việc với Đoàn Thanh tra của EC; Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai công tác phòng, chống khai thác IUU tại địa phương.
Sự vào cuộc của các địa phương
Để hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân hiệu quả và bền vững, đúng quy định, ngoài các giải pháp mang tính chỉ đạo vĩ mô thì sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các địa phương là vô cùng quan trọng; để hiện thực hóa những quy định của Luật một cách cụ thể, có chuyển biến nhanh nhất.
Là một trong những địa phương có đội tàu khai thác thủy sản xa bờ lớn trong cả nước, thời gian qua, các cấp chính quyền cùng ngư dân Bình Định đã nỗ lực cải thiện và hướng tới việc khai thác thủy sản có trách nhiệm, hiệu quả. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản 2339/UBND-KT về việc thực hiện không cho tàu cá thiếu giấy tờ theo quy định hoạt động khai thác thủy sản và neo đậu tại các cảng cá địa phương. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND thành phố và các huyện ven biển tổ chức rà soát và thành lập các tổ công tác lưu động để kiểm tra, làm thủ tục gia hạn đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá thiếu giấy tờ theo quy định. Cùng đó, để đảm bảo thực thi Luật Thủy sản 2017 và thực hiện các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” EC, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn và Chủ tịch UBND các huyện ven biển phối hợp với Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền cho các chủ tàu, ngư dân, thuyền trưởng, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản các quy định mới về Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU theo Chỉ thị 45/CT-TTg; đảm bảo các tàu cá khi hoạt động khai thác hải sản trên biển phải có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định; không cho các tàu cá thiếu giấy tờ theo quy định hoạt động khai thác thủy sản và neo đậu tại các cảng cá, bến cá của địa phương; phối hợp với Sở NN&PTNT hướng dẫn thủ tục và kiểm tra cấp lại các loại giấy tờ (đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản) cho các tàu cá bị trễ hạn theo quy định.
Tại Kiên Giang, không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn Luật Thủy sản, tỉnh còn rất quyết liệt với tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, việc EC cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác IUU đối với Việt Nam vừa là một thách thức, khó khăn đối với nghề cá truyền thống của nước ta, nhưng lại là cơ hội để chúng ta cải tổ, phát triển nghề cá theo hướng bền vững, tiến bộ. Kiên Giang cũng đã công bố tàu cá, chủ tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép trong tháng 8/2018 trên thông tin đại chúng và công khai tại địa phương. Theo đó, có 8 tàu vi phạm bị lực lượng bảo vệ biển Malaysia bắt giữ, xử lý. Cụ thể là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá KG 92888 TS, tàu lưới kéo KG 93630 TS của ông Lý Văn Son, ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành); tàu câu KG 95531 TS, tàu lưới kéo đôi KG 94975 TS của ông Nguyễn Văn Du, ấp 1, xã Hòn Tre (Kiên Hải); tàu dịch vụ hậu cần nghề cá KG 95557 TS, tàu lưới rê KG 95653 TS của ông Huỳnh Tấn Lộc, khu phố Thông Chữ, xã Vĩnh Hiệp (TP Rạch Giá); 2 tàu lưới kéo đôi KG 91134 TS và KG 92666 TS của ông Huỳnh Văn Cáo, phường An Hòa (TP Rạch Giá).
>> Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, quy định rõ mức phạt đối với từng hành vi vi phạm, mức phạt lên tới 1 tỷ đồng; Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2019. |