Được đánh giá là một trong những địa phương có đội tàu vi phạm lĩnh vực khai thác thủy sản lớn của cả nước; thế nhưng thời gian qua, địa phương đã tích cực vào cuộc, nhờ vậy đã có những chuyển biến tích cực.
Tích cực ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Sát sao quản lý
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT tại Bến Tre về tình hình khắc phục cảnh báo của EC và ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ông Đồng Văn Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 4.000 tàu cá đăng ký, tàu đánh bắt xa bờ chiếm 52,2%, sản lượng khai thác hàng năm dao động ở mức 200.000 tấn, tập trung các ngư trường biển Đông và Tây Nam bộ. Hiện nay, ngư dân trong tỉnh cũng đã liên kết trong khai thác đánh bắt với hình thức THT, với số lượng 160 THT, 1.850 tàu tham gia. Cùng đó, công tác triển khai thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh quan tâm và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Sở NN&PTNT Bến Tre là đơn vị chủ trì và tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn, triển khai Luật Thủy sản đến các sở, ngành, địa phương, ngư dân.
Tình hình quản lý hoạt động ra vào tại cảng cá để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản cũng được tỉnh Bến Tre chú trọng. Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh Trần Việt Thiểm cho biết, trong quý I/2019, sản lượng thủy sản qua cảng tăng gần 40% so cùng kỳ năm 2018. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở tại cảng cá ổn định và thực hiện theo quy định. Công tác quản lý khu neo đậu tránh trú bão luôn được ban quản lý cảng quan tâm, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa và quản lý tốt, sẵn sàng đáp ứng các điều kiện khi có bão xảy ra. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị chuyên ngành như đồn biên phòng, công an, quân sự cũng hoạt động tích cực, thường xuyên để giữ gìn trật tự tại các cảng cá…
Về tình hình triển khai công tác chống khai thác IUU được UBND tỉnh Bến Tre chủ động đề xuất xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý khai thác thủy sản trên biển giữa 8 tỉnh gồm: Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Ngoài ra, để bảo đảm có sự lãnh chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã tham mưu và được Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường công tác ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài…
Khắc phục bất cập
Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến các địa phương nhưng hoạt động khai thác thủy sản tại Bến Tre vẫn còn một số hạn chế như nhân sự kiểm soát đang thiếu, số lượng tàu cập bến, xuất không qua cảng chưa được kiểm soát còn nhiều, thuyền trưởng không ghi nộp nhật ký, báo cáo khai thác hoặc có ghi nhưng không đủ, không chính xác, không nghiêm túc.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội tỉnh, tuy có nhiều nỗ lực nhưng kết quả đạt được trong công tác quản lý khai thác thủy sản chưa như mong muốn. Công tác xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm nước ngoài còn chậm; việc điều tra xác minh lập hồ sơ xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do thuyền trưởng, thuyền viên vi phạm đều bị bắt giữ phạt tù ở nước ngoài. Hay một số trường hợp chủ tàu không có mặt tại địa phương hoặc thuyền trưởng không phải là người địa phương, hầu hết các vụ việc địa phương chưa xử lý được chủ tàu…
Ông Nguyễn Ngọc Oai,Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị Bến Tre xây dựng kế hoạch triển khai Luật Thủy sản thật bài bản, thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá từ nay đến trước ngày 1/7/2019. Cùng đó, để bảo đảm quản lý tốt hoạt động của tàu cá trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thủy sản cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ từ phía Bộ đội Biên phòng trong việc quản lý tàu cá khai thác trên biển, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm.
>> Từ năm 2010 đến tháng 3/2019, Bến Tre có 117 trường hợp tàu cá vi phạm; riêng năm 2018, tại Thái Lan, Ủy ban châu Âu (EC) đã kiểm tra trong hơn 100 trường hợp tàu nước ngoài bị nước này bắt giữ thì có đến 4 hồ sơ xác định là tàu của Bến Tre quản lý. |
Hải Lý