T2, 06/07/2020 11:24

Chuyên đề Cá rô phi – Bài 2: Trăn trở của “trùm cá rô phi” xứ Thanh

Chưa có đánh giá về bài viết

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc nuôi và xuất khẩu cá rô phi trên cả nước. Dù thành công ban đầu đã thấy nhưng với những người “cầm chịch” Công ty còn đó là những lo lắng, băn khoăn không dễ gì chia sẻ…

Bài 1: Để có thể là cá rô phi

Bước ngoặt

Nghe tôi ngỏ ý muốn viết một bài về  nuôi cá rô phi, Phó Giám đốc (PGĐ) Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Lê Đức Giang nói ngay: “Nhà báo hãy đến Công ty CP XNK Thủy sản Thanh Hóa ngay đi. Họ làm hay lắm”. Tôi lập tức lên đường và thực sự ngỡ ngàng trước thành quả mà Công ty này làm được với con cá rô phi. Theo đó, từ năm 2007, Công ty CP XNK Thủy sản Thanh Hóa được cổ phần hóa với lĩnh vực hoạt động chính là nuôi trồng, chế biến tôm sú, tôm thẻ chân trắng xuất khẩu. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên năm 2010, Ban Giám đốc hiện thời đã được lệnh tiếp quản Công ty, chúng tôi quyết định đưa con ngao Bến Tre vào nuôi. Chỉ sau 1 năm, Công ty đứng “tốp” đầu cả nước về công nghệ nuôi cũng như thị trường. Nhưng hạn chế của con ngao là thị trường xuất khẩu không nhiều nên nếu mở rộng quy mô thì cũng sẽ không ổn…” – ông Nguyễn Công Hùng (ảnh trên), PGĐ Công ty nhớ lại.

Và để tăng lợi nhuận, Công ty chế biến cá khô xuất sang Trung Quốc, cá tươi đi Nhật Bản…, tuy nhiên, cả năm cũng chỉ được 8 – 9 triệu USD. Từ đây, giấc mơ tìm đối tượng nuôi bền vững được nhen nhóm trong đội ngũ những người cầm lái Công ty.

 “Giữa năm 2012, chúng tôi tôi “đánh hơi” được tiềm năng thị trường nên xây dựng ngay dự án “Nuôi và chế biến cá rô phi đen xuất khẩu”. Đặc biệt, khi nhìn sang nước bạn Trung Quốc, có thể khẳng định cá rô phi đen là đối tượng đứng đầu danh mục xuất khẩu, thậm chí kim ngạch của họ còn lớn hơn gấp nhiều lần tôm, cá tra – cá ba sa của Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bước vào giai đoạn bắt tay thực hiện, Công ty chuyển đổi 16 ha tôm thẻ chân trắng ở xã Trường Giang, huyện Nông Cống sang nuôi cá rô phi công nghiệp. Sau hơn 2 năm đầu tư, diện tích đã được mở rộng lên 24 ha. Ngoài ra, Công ty còn thuê 250 ha lòng hồ của Thủy nông Sông Chu để nuôi cá rô phi tự nhiên, góp phần tăng sản lượng cá phục vụ xuất khẩu. “Chúng tôi đang phấn đấu mở rộng diện tích nuôi lên 500 – 700 ha, sản lượng 30.000 – 40.000 tấn cá rô phi nguyên liệu/năm”, ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm.

 

Mang lại lợi nhuận

“Với Công ty, một năm có thể nuôi 2 vụ rô phi đen, mỗi vụ 5 tháng, tùy điều kiện ao nuôi và mức độ đầu tư. Chi phí đầu tư bình quân khoảng 450 triệu đồng/ha/vụ, gồm chi phí đầu tư trực tiếp (thuê đất, hạ tầng, con giống, thức ăn, điện nước, nhân công, thuốc, chế phẩm) và chi phí gián tiếp (khấu hao tài sản, quản lý, lãi suất và chi phí khác). Sản lượng thu hoạch đạt 21 tấn/ha/vụ. Với giá trung bình 30.000 đồng/kg, mỗi vụ có thể thu khoảng 630 triệu đồng/ha/vụ, tương đương 1,26 tỷ đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lãi gần 300 triệu đồng/ha/năm. Nếu so với các con nuôi khác có thể nói cá rô phi là đối tượng mang lại lợi nhuận số 1” – Ông Nguyễn Công Hùng nói.

Rô phi là đối tượng nuôi mang lại lợi nhuận cao – Ảnh: PTC

Dự kiến cả năm 2014, sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn cá rô phi. Giải quyết công ăn việc làm cho 70 người với mức lương bình quân cỡ 6 triệu đồng/người/tháng. Công ty đang có kế hoạch phấn đấu mở rộng quy mô nuôi lên 500 – 700 ha.

 

Lực cản về giống

Ông Hùng tin chắc trong tương lai, cá rô phi sẽ là sản phẩm thay thế cho các loài cá thịt trắng đang ngày càng cạn kiệt. Chính vì thế, việc Thanh Hóa lấy con cá rô phi để tái cơ cấu là hướng đi đúng. “Nhưng hiện nay có 3 khó khăn lớn cần phải giải quyết khi nuôi đối tượng này là nâng cao liên kết “4 nhà” trong sản xuất giống. Việt Nam có nhiều đơn vị sản xuất giống nhưng cá rô phi của ta đầu to, mình dài nên khi xuất khẩu cả con thị trường sẽ không ưa chuộng, trong khi fillet xuất đi như cá tra thì định mức nguyên liệu cho 1 kg thành phẩm cao hơn 70 – 80% so với nuôi giống cá Trung Quốc, như vậy thì lợi nhuận sẽ giảm rất nhiều. Khó khăn thứ hai là thức ăn, hầu hết doanh nghiệp không thể chủ động được nguồn thức ăn mà phải phụ thuộc các nước như Hà Lan, Mỹ, Pháp… nên giá cao và thường xuyên tăng. Cuối cùng là chính sách hỗ trợ nuôi cá rô phi lâu nay gần như vẫn người nuôi tự bơi, một số trường hợp được hỗ trợ thì hô hào rất lớn nhưng thực tế lại chẳng được là bao” – Ông Hùng cho hay.

Khi được hỏi rằng Thanh Hóa cần làm gì để thực hiện thành công đề án nuôi 1.000 ha cá rô phi xuất khẩu, giai đoạn 2014 – 2020, ông Nguyễn Công Hùng cho hay việc cần kíp cần làm ngay là: Phải xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ khâu quy hoạch, giống, thức ăn, công nghệ nuôi cho đến chế biến, xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị này doanh nghiệp phải là nhạc trưởng, nhà nước vừa là bà đỡ vừa là trọng tài. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong chuỗi phải hợp thành sức mạnh tổng thể để cạnh tranh với thị trường nước ngoài, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đối với nhà nước, trước khi làm “trọng tài” thì phải thực sự là bà đỡ. Đỡ từ đầu đến cuối chứ không phải đỡ giữa chừng. Trong chuỗi giá trị cần phải tính toán kỹ lưỡng đầu tư khâu nào trước, khâu nào sau nếu không sẽ trở thành “miếng mồi” để chia chác nhau. Riêng khâu giống phải đáp ứng được các tiêu chí: Sức đề kháng tốt, tăng trưởng nhanh, hình thái đẹp (đầu nhỏ, thân tròn) và tỷ lệ cá đực cao.

>> Ông Lê Đức Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa:

“Nói về hiệu quả kinh tế thì tại Thanh Hóa, cá rô phi là đối tượng số 1 trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt bởi tiềm năng nuôi và giá trị xuất khẩu lớn. Cá rô phi là một trong 3 đối tượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt chủ lực được đưa vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 20 ha cá rô phi nuôi công nghiệp và 380 ha nuôi ở hồ chứa với tổng sản lượng nuôi trồng năm 2014 đạt 1.500 tấn. Tỉnh Thanh Hóa đang lập quy hoạch nuôi cá rô phi xuất khẩu trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời trình Bộ NN&PTNT để trình Thủ tướng phê duyệt Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi rô phi xuất khẩu tại Thạch thành và các vùng lân cận”.

Thanh Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!