(TSVN) – Ngày 16/9, Bộ Ngoại giao phối hợp với VnExpress và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam dưới hình thức trực tuyến.
Tham dự Diễn đàn, có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp; các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Diễn đàn là nơi diễn ra các hoạt động đối thoại chính sách công – tư giữa Chính phủ, khu vực tư nhân cùng các bên liên quan, nhằm thảo luận những vấn đề then chốt, chiến lược cho nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới; qua đó gợi mở những nghiên cứu và đề xuất giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam, tiếp cận thành công các thị trường tiềm năng. Đặc biệt, trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, hai hội nghị chuyên đề đã diễn ra với các chủ đề chính là “Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam”. Phiên toàn thể của diễn đàn với chủ đề: “Định hình kịch bản chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đến năm 2035”, các đại biểu trong và ngoài nước thảo luận về phương hướng, chính sách cũng như những kinh nghiệm chuyển đổi số nông nghiệp, qua đó đưa ra giải pháp cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, bắt nhịp với xu thế toàn cầu.
Gian hàng nghêu Bến Tre tại Triển lãm Quốc tế thực tế ảo nông nghiệp Việt Nam; Ảnh: BTC
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng NN&PTNT nhận định rằng, với sự kiện này, có thể thấy rằng, công cuộc chuyển đổi số đối với nông nghiệp đang là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh. Việt Nam xác định tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, điều này sẽ tạo ra bước ngoặt, tích hợp nền kinh tế tri thức, mang lại sự phát triển bền vững. Chúng ta chuyển đổi để hòa nhập với thế giới, đi sau cũng có dư địa lớn để phát triển. Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện chúng ta có 9,2 triệu hộ nông dân, chúng ta phải đưa hộ nông dân lên nền tảng điện tử, phải có tên gọi, hồ sơ, truy xuất nguồn gốc. Để làm được, phải có thiết chế để thực hiện, thiết chế ngân hàng, thiết chế giao dịch… Tiếp theo, phải đào tạo cho người nông dân. Trong dịch, chuỗi cung ứng lao động, người lao động có tái hóa nhập ở nông thôn hay không, hay sẽ lại quay về thành phố. Do đó, chúng ta cần làm tốt ở khu vực nội địa, chắc chắn trong nước thì mới tính đến ra ngoài quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, phát huy vai trò của gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp các châu lục, trong thời gian qua, Bộ đã tăng cường kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp trong nước với các đối tác quốc tế; đồng thời, sẽ phối hợp các bộ, ngành đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp trong hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận xu thế lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số; chủ động đề xuất những sáng kiến triển khai hoạt động thiết thực đóng góp thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh nói riêng.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Hiện nay, khu vực nông thôn chiếm 63% dân cư, nông nghiệp chiếm tỷ trọng gần 14% trong GDP. Trên cả nước đã thành lập 3 khu nông nghiệp, 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của nông nghiệp được quan tâm. Công nghệ 4.0 trong nông nghiệp thực hiện dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực nông nghiệp; dự báo, phân tích chính sách, thị trường tiêu thụ nông sản. Trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, chuyển đổi số nông nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, tối ưu hóa sản xuất.