Chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi tôm: Cần cái nhìn từ thực tiễn

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, người dân Cà Mau gắn bó với con tôm. Nhiều người nuôi tôm đúc kết kinh nghiệm, cho rằng yếu tố kỹ thuật vẫn là then chốt mang lại thành công.

Thực trạng và thực tiễn

Đến ấp Mương Đường, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi sẽ thấy và nghe người dân nơi đây trăn trở trước cái khó trong việc tìm hướng đi cho mô hình trên đối tượng con tôm. Bởi lẽ con tôm là đối tượng duy nhất, là nguồn thu nuôi sống gia đình hằng ngày nhưng thu nhập còn nhiều bấp bênh, do người dân chưa tiếp cận được kỹ thuật đúng nghĩa vào mô hình này để phát triển bền vững thu nhập.

Khi kỹ thuật chưa bám rễ hai loại hình nuôi tôm theo hình thức truyền thống và quảng canh cải tiến (QCCT) thì nuôi tôm công nghiệp (NTCN) vẫn chưa đem đến cho người dân sự tự tin khi thực hiện mô hình này từ thực hiện theo kinh nghiệm và học hỏi từ lớp tập huấn, hội thảo qua nhiều nguồn. Anh Trịnh Văn Ghi (ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) là một trong những hộ thực hiện mô hình NTCN, cho biết: Những vụ đầu môi trường còn mới nên nuôi còn thành công, nhu cầu kỹ thuật nuôi cũng đơn giản hơn. Nhưng về sau tình hình môi trường thay đổi đột ngột, dịch bệnh nhiều cùng con giống kém chất lượng thì kỹ thuật và kinh nghiệm chưa đủ để mang lại thành công. Do đó, hiện nay anh em NTCN đang gặp khó, gần như huề và lỗ.

Anh Trịnh Văn Ghi đang chăm sóc tôm nuôi

Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư nhận định: Cách chuyển giao kỹ thuật đã qua mang tính một chiều, áp đặt, không khai thác được kinh nghiệm hay. Từ đó người dân nuôi tôm không hiểu được chiều sâu, việc áp dụng kỹ thuật mới còn hạn chế…

Bên cạnh đó, các dụng cụ hỗ trợ thực hiện mô hình, tập huấn cho người dân thiếu cả thực hiện và thực hành. Năng lực, kỹ thuật, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu công việc và kỹ thuật ngày càng cao, nhất là diện tích nuôi tôm ngày càng tăng, dịch bệnh ngày càng phức tạp.

 

Kỹ thuật bám rễ hiện trường

Biết tin có lớp học chuyển giao kỹ thuật tại hiện trường trên loại hình QCCT trong ấp, ông Ngô Thanh Thức (ấp Công Điền, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời) đến đăng ký làm điểm trình diễn. Các tiêu chí do cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đưa ra, ông đều đáp ứng và được hỗ trợ 100% con giống; 30% thức ăn, vật tư, thuốc, hóa chất. Mô hình thành công. Ông Thức cho biết: Cả 30 người tham gia cùng những hộ liền kề trong mô hình đều thực hiện thành công từ lớp học này”.

Ông Nguyễn Trần Thức khẳng định: Phương pháp chuyển giao kỹ thuật tại hiện trường đã kích thích sáng tạo, gợi mở cho nông dân truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho người ít hiểu biết. Trung tâm xác định đây là phương pháp cơ bản cần được nhân rộng, rất cần cho sản xuất trong tương lai, bởi nó giúp người dân tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm sâu để đối phó thiên tai dịch bệnh, từng bước giảm rủi ro, phát huy hiệu quả sản xuất”.

>> Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tổ chức 18 lớp học chuyển giao kỹ thuật tại hiện trường; 9 lớp chuyển giao kỹ thuật NTCN cho các huyện, trừ U Minh. Năng suất trên mô hình QCCT đạt 550 – 600 kg/ha, tôm sú công nghiệp 6 tấn/ha, TTCT 10 tấn/ha.

Bài, ảnh: Diệu Lữ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!