T2, 06/07/2020 11:27

Có Cảnh sát biển, ngư dân an tâm…

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu (ảnh), Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam trong cuộc trò chuyện đầu xuân 2015 với phóng viên Thủy sản Việt Nam.

Ông, đánh giá thế nào về tình hình trên biển và việc đầu tư của Nhà nước cho Cảnh sát Biển (CSB) thời gian gần đây?

CSB là lực lượng chuyên trách nhà nước có chức năng quản lý an ninh trật tự an toàn và đảm bảo thực thi pháp luật biển Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia ký kết trên tất cả các vùng biển, thềm lục địa của mình. Vùng biển Việt Nam rộng lớn, với bờ biển dài 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và vùng thềm lục địa. Vùng biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng, cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, với mật độ tàu thuyền hoạt động nhộn nhịp.

Biển Đông thời gian qua vẫn diễn ra tranh chấp, liên quan chủ quyền giữa một số nước. Việt Nam nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Để thực hiện chủ trương đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân đã quan tâm đầu tư chăm lo cho lực lượng CSB.

Sau hơn 16 năm hoạt động, CSB Việt Nam đã phát triển toàn diện về tổ chức, trang bị, nguồn nhân lực; đồng thời từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo cho hoạt động.

 

Trong thực thi nhiệm vụ, CSB Việt Nam còn gặp khó khăn gì?

Vùng biển Đông Nam Á còn tiềm ẩn nạn cướp biển, cướp biển có vũ trang, tranh chấp ngư trường, buôn lậu, buôn bán hàng cấm… Trong quá trình khai thác, một số ngư dân sử dụng ngư cụ không đúng quy định (đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện, chất độc; đánh bắt các loại hải sản bị cấm). Một số tàu thuyền của ngư dân Việt Nam bị một số cơ quan chức năng Thái Lan, Malaysia, Philippines… bắt giữ do vi phạm luật pháp, đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền các nước đó. Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện đường dây danh nghĩa hợp tác, đưa tàu và người đi khai thác ở nước ngoài nhưng thực chất chưa đúng pháp luật, nên nhiều ngư dân khi sang đến nơi bị nước sở tại coi là khai thác trái phép. Ví dụ, khi ngư dân Việt Nam sang Campuchia khai thác, nộp lệ phí cho cơ quan này nhưng bị cơ quan khác bắt. Do đó, chúng ta cần tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ luật pháp tốt hơn. Cùng đó là những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cộng với tình trạng khai thác trái phép của ngư dân, khiến lực lượng CSB phải luôn tìm cách khắc phục, điều chỉnh hoạt động.

Tàu Cảnh sát Biển 9002 lai dắt tàu ngư dân QNg 90046 TS bị nạn trở về đất liền an toàn – Ảnh: Phòng Tuyên huấn CSB

 

 CSB đã khắc phục những bất cập đó thế nào, thưa ông?

Nhu cầu về cơ sở vật chất của CSB hiện nay vẫn rất lớn, nhưng điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn. Nhà nước và nhân dân rất quan tâm đầu tư trang thiết bị cho CSB, nhưng CSB biết rằng phải có thời gian chứ không thể một sớm một chiều có ngay đội tàu hiện đại. Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, không thể chỉ lo mua thật nhiều trang thiết bị cho CSB; nhiều hạng mục đầu tư cho dân sinh cũng phải được quan tâm.

Từ con số không, tốc độ phát triển như hiện nay của lực lượng CSB Việt Nam là rất nhanh; đảm bảo thực thi pháp luật trên biển theo đúng thông lệ quốc tế bằng phương pháp hòa bình. Tuy nhiên, phát triển phải trên nền tảng vững chắc và có lộ trình. Với trang bị như hiện nay, CSB sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa thiết thực trước. Trong điều kiện đó, vùng gần bờ có thể sử dụng tàu thuyền nhỏ; tàu lớn dành hoạt động vùng biển xa, dài ngày. Đồng thời, CSB phối hợp hoạt động với nhiều ngành trên biển; tranh thủ sự ủng hộ vật chất tinh thần của quốc tế…

 

Ông nhận xét gì về hoạt động khai thác của ngư dân Việt Nam trên biển hiện nay; CSB có biện pháp bảo vệ họ thế nào?

Với sự đầu tư của Nhà nước, ngư dân tìm được phương thức khai thác thích ứng; nhưng nhìn chung việc khai thác còn nhỏ lẻ, công nghệ khai thác lạc hậu, công nghệ bảo quản còn hạn chế. Sản lượng khai thác cao nhưng giá trị chưa tương xứng. Nhà nước, các doanh nghiệp đang đầu tư khắc phục điều này. Bên cạnh đó, CSB đang lưu tâm vấn đề liên quan việc tàu ngư dân đi khai thác không tổ chức thành nhóm, tổ/đội, các tổ/đội ít hỗ trợ nhau. Ngư dân khai thác trong điều kiện bình thường thì không vấn đề gì; nhưng khi tàu gặp tai nạn, đâm va hay gặp sự cố, công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ rất khó khăn; CSB Việt Nam phải nhờ tàu cứu nạn của CSB quốc tế, phối hợp các cơ quan, ban ngành trung ương liên quan.

CSB quán triệt tư tưởng tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển, sẵn sàng có mặt khi ngư dân có nhu cầu cứu trợ cứu nạn và khi xảy ra tranh chấp trên biển, bằng mối quan hệ giữa tổ chức CSB Việt Nam và cảnh sát biển các nước trong khu vực, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản ngư dân. CSB Việt Nam đề nghị giải quyết có lý có tình để bảo vệ ngư dân, tuyên truyền để ngư dân thường xuyên giữ liên lạc với CSB, thông báo kịp thời khi có tình huống xấu. Với những ngư trường thường xuyên xảy ra tranh chấp, CSB cần thường xuyên có mặt để giải quyết.

>> “Trên vùng biển mênh mông, sự xuất hiện của lực lượng thực thi pháp luật mang màu cờ và hình ảnh Việt Nam sẽ tạo niềm tin, ý thức về chủ quyền cho ngư dân tham gia khai thác, bảo đảm cuộc sống” – Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu.

Minh Dương - Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!