Cơ giới hóa trong NTTS: Con đường tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong giai đoạn 2010 – 2020, việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực NTTS đã có sự chuyển biến rõ nét thông qua sự tăng vọt về năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa chỉ giới hạn trong phạm vi một vài đối tượng chủ lực với trang thiết bị, máy móc chủ yếu là nhập khẩu.

Cơ giới hóa là hiệu quả

Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), trong giai đoạn 1999 – 2010, ứng dụng cơ giới hóa trong NTTS chưa phát triển mạnh nên hầu hết các công đoạn trong quy trình sản xuất chủ yếu vẫn được thực hiện bằng hình thức thủ công. Phải đến giai đoạn 2011 – 2020, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, việc ứng dụng cơ giới hóa trong hoạt động nuôi thủy sản mới có sự thay đổi mạnh mẽ, khi hầu hết các cơ sở nuôi bán thâm canh, thâm canh đều đã có ứng dụng cơ giới trong sản xuất. Đơn cử như: Sử dụng cơ giới để thi công ao nuôi, sử dụng máy cào bùn, máy bơm nước để cải tạo ao, sử dụng thiết bị sàn cho ăn tự động, thiết bị giám sát chất lượng môi trường nước, hệ thống quan trắc tự động…

Khẳng định việc ứng dụng cơ giới hóa vào nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Từ 3 ao nuôi tôm lót bạt vào năm 2018, đến nay HTX đã có 17 ao nuôi lót bạt đều được cơ giới hóa tại các khâu quan trọng, như: thiết bị tạo ôxy, thu gom chất thải, cho ăn… Ngoài ra, các ao nuôi này còn được ứng dụng công nghệ giám sát môi trường ao nuôi (hàm lượng ôxy hòa tan, nhiệt độ nước, độ mặn…), công nghệ lọc nước mới do Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao, ứng dụng điện mặt trời, giảm khí độc trong ao bằng nuôi 2 – 3 giai đoạn…”.

Ứng dụng cơ giới hóa trong tạo ôxy hòa tan và thu gom chất thải được xem là sớm nhất và có hiệu quả nhất trong nuôi tôm nước lợ. Ảnh: ST

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, năm 2021 xuất khẩu thủy sản đạt 8,9 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,72 tỷ USD tăng 39% so cùng kỳ năm trước. Kết quả đó có đóng góp của “ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị (cơ giới hóa), tự động hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, giúp kiểm soát tốt môi trường nuôi, dịch bệnh, tăng năng suất chất lượng đem lại hiệu quả cao cho ngành thủy sản”.

Ứng dụng cơ giới hóa cao để quản lý chất lượng nước và quản lý dịch bệnh trong hệ thống nuôi thủy sản. Nhiều nơi nuôi TTCT công nghệ 4.0; nuôi tôm trên cát; nuôi tôm, cá rô phi công nghiệp công nghệ biofloc đã có hệ thống cơ giới hóa và điện tử hóa trong quản lý môi trường nước nuôi và cảnh báo dịch bệnh.

Ứng dụng cơ giới quản lý thức ăn trong hệ thống NTTS, bao gồm công nghệ “mềm” là thành phần thức ăn và công nghệ “cứng” là máy móc. Nhiều nơi nuôi cá tôm áp dụng phương pháp cho ăn bằng máy nhằm tiết kiệm nhân công, chính xác lượng thức ăn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp hơn cho ăn bằng tay.

Ứng dụng cơ giới trong quản lý chất thải nuôi thủy sản. Chất thải dạng rắn gồm phân, thức ăn thừa, xác tảo chết, đối tượng nuôi chết. Dạng hòa tan gồm những hợp chất bài tiết của đối tượng nuôi dưới dạng hòa tan hoàn toàn trong nước. Chất thải chiếm 30 – 70% so với thức ăn sẽ gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý. Sử dụng các loại máy móc thiết bị để loại bỏ chất thải ra ngoài ao nuôi và công nghệ xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường tự nhiên góp phần bảo vệ môi trường.

Xây dựng nền tảng sản xuất hiện đại hơn

Nhận xét về tình hình cơ giới hóa trong NTTS, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả ở từng khâu, nhưng nhìn chung, cơ giới hóa trong NTTS còn khá khiêm tốn và chưa đồng bộ so với nhu cầu thực tế trong bối cảnh hiện nay.

Phân tích thêm về nguyên nhân hạn chế của tiến trình cơ giới hóa trong NTTS, theo ông Cẩn có 3 nguyên nhân chính, gồm: sản xuất đa số là nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và cuối cùng là thiếu hụt nguồn nhân lực. Ông Cẩn phân tích thêm: “Số trang trại, doanh nghiệp có diện tích nuôi tôm lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay trong tổng số khoảng 360.762 cơ sở nuôi trên cả nước, nên việc ứng dụng cơ giới hóa là rất khó. Còn về cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm hiện nay hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề nuôi, nhất là về thủy lợi, giao thông và điện. Riêng về nguồn nhân lực càng đáng lo hơn khi phần lớn chưa qua đào tạo, nên rất khó khăn trong việc vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị”.

Đồng tình với nhận xét chung của ông Cẩn, ông Ngô Công Luận bổ sung: “Hiện nay, người nuôi tôm ai cũng thấy việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa là rất hiệu quả, nhưng mô hình này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi chủ yếu là do thiếu vốn để đầu tư nâng cấp mô hình. Khó khăn nữa là đa số lao động nuôi tôm hiện nay là người lớn tuổi, trình độ thấp, còn giới trẻ thì phần lớn đi tìm công việc khác tại các khu công nghiệp”.

Các chuyên gia phân tích, NTTS đang trải qua 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là nuôi trồng truyền thống chủ yếu ở quy mô nông hộ, ít máy móc. Giai đoạn 2 cơ giới hóa dựa vào máy móc cơ khí và điện. Giai đoạn 3 sản xuất tự động, sử dụng công nghệ IoT (Internet of things) để quản lý: NTTS thông minh. Mức độ cơ giới hóa ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, tuy nhiên còn hạn chế và khá xa so với yêu cầu.

Để cơ giới hóa đồng bộ

Tại hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào ngày 23/8, hầu hết các đại biểu tham dự đều cho rằng, cơ giới hóa, tự động hóa trong NTTS là xu thế tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm nuôi trồng cả hiện tại lẫn tương lai. Các điều kiện cần, như: chủ trương, chính sách; khoa học công nghệ; máy móc, thiết bị… đều đã có, nhưng để việc cơ giới được đồng bộ và hiệu quả, các đại biểu đề xuất đến Bộ và Chính phủ các nhóm giải pháp chính, gồm: chính sách về đào tạo nguồn nhân lực; về tích tụ đất đai; về vốn tín dụng; về quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng nuôi; về tổ chức lại sản xuất…

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nêu ý kiến: “Mặc dù tỉnh Sóc Trăng rất chú trọng đến việc cơ giới hóa trong NTTS, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Do đó, để cơ giới hóa thành công, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi thì công tác tổ chức lại sản xuất cũng rất quan trọng, bởi nếu quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì không thể cơ giới hóa được. Ngay cả đối với từng hộ nuôi, nếu điều kiện hạ tầng ao nuôi còn chưa hoàn chỉnh thì chưa thể nói đến chuyện cơ giới hóa”.

Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong NTTS, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Đất đai, chính sách tín dụng để tạo vùng sản xuất nuôi thủy sản tập trung, quy mô lớn, tạo cơ hội ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Ưu tiên lựa chọn những đề tài, dự án gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị, máy móc cho sản xuất. Các địa phương cần rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến, cung ứng vật tư, đầu tư hạ tầng đồng bộ. Cần tập trung nghiên cứu ứng dụng các chủng loại máy, thiết bị đặc thù để thay thế máy móc, hệ thống linh kiện nhập khẩu; đồng thời, cung cấp dịch vụ cơ giới, tự động với chi phí phù hợp, áp dụng trên diện tích rộng và chia sẻ thông tin về hiệu quả khi sử dụng máy móc, hệ thống tự động hóa trong NTTS.

Ông Trần Đình Luân,

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Cần xây dựng vùng NTTS tập trung, quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu và tăng cơ hội ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Đất đai trong việc dồn điền đổi thửa. Các địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến, cung ứng vật tư. Đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho cơ sở nuôi ứng dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Võ Văn Phục,

Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam

Rất cần đưa khoa học công nghệ, cơ giới vào sản xuất để từng bước nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành, nằm tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn đang gặp khó do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người nuôi thiếu vốn, thiếu kiến thức, thông tin trong việc lựa chọn công nghệ, thiết bị tối ưu nhằm giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, trên thị trường vẫn có một số mô hình, công nghệ lạc hậu, không còn phù hợp, giá thành cao, vận hành khó đang được đưa vào giới thiệu cho người nuôi tôm. Vì vậy, cần có cơ quan, tổ chức Nhà nước tổng hợp, cải tiến mô hình, kỹ thuật, công nghệ sau đó mới chuyển giao cho người nuôi thì hiệu quả sẽ cao hơn, chi phí sẽ thấp hơn.

Xuân Trường – Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!