Ngư dân mong mỏi được tiếp cận các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi hải sản chất lượng để sản xuất thuận lợi trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, công tác này chưa bắt kịp thực tiễn sản xuất.
Mô hình tổ đoàn kết giúp các tàu cá QNa-91937, QNa-91173 chia sẻ ngư trường, tạo thuận lợi trong sản xuất. Ảnh: V.QUANG
Dựa vào kinh nghiệm
Đang vụ cá chính lại cuối tháng nên ngư dân trên địa bàn tỉnh háo hức vươn khơi. Tại xã Tam Quang (Núi Thành), từng đoàn tàu nối đuôi nhau để đánh bắt hải sản theo hình thức tổ, đội đoàn kết. Ngư dân Huỳnh Thế Hải (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) – thuyền trưởng tàu cá QNa-91937 cho biết, khai thác hải sản theo tổ, đội đoàn kết sẽ giúp ngư dân chia sẻ ngư trường sản xuất đang có nhiều loài cá hoạt động. “Chuyến biển đạt hay không phụ thuộc vào việc tàu cá có sản xuất ở ngư trường dồi dào hải sản hay không.
Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc này, sản xuất thành công thì bạn biển mới gắn bó, chủ tàu mới thu lợi” – ông Hải nói. Cùng vươn khơi với tàu cá QNa-91937 trong đợt này còn có các tàu cá lâu năm khác như QNa-91537 và QNa-91173. Khi nghe chúng tôi hỏi lâu nay có hay theo dõi các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi được ngành thủy sản cung cấp, ngư dân Đặng Ngọc Tùng (thôn An Hải Tây) – chủ tàu cá QNa-91173 lắc đầu. “Chúng tôi vươn khơi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đi biển tích lũy từ bấy lâu nay. Máy định vị sẽ giúp chúng tôi điều tàu đến ngư trường dự đoán sẽ có nhiều loài hải sản hoạt động. Ở chuyến biển trước, chúng tôi đã “đánh dấu” khu vực đó rồi, chừ điều tàu đến thì sẽ có nhiều khả năng thu được sản lượng khai thác cao” – ông Tùng nói.
Sản xuất cùng ngư trường lại đoàn kết nên hầu như ở chuyến biển nào, các tàu cá nói trên cũng đều thu được sản lượng hải sản tương đối. Các chủ tàu cho biết, với nghề lưới vây kết hợp với câu, thu được 4 tấn cá là rất thành công. “Chuyến biển trước, chúng tôi thu được gần 600 triệu đồng sau khi bán 4 tấn cá hồng, cá mú, cá đỏ, mực lá. Sau khi trừ chi phí hơn 50 triệu đồng, chủ tàu thu được hơn 200 triệu đồng, 6 bạn biển chia đều mỗi người được 40 triệu đồng, anh em rất phấn khởi” – ông Tùng nói. Theo ông Tùng, nhờ chủ động về ngư trường, sắm sửa được ngư lưới cụ có tầm bao quát lớn, máy móc phụ trợ phát huy tính năng nên chuyến biển rất đạt. Còn ông Hải cho biết: “Nếu chuyến biển này chúng tôi dự đoán đúng tọa độ có thể đem lại hiệu quả sản xuất cao. Nếu lỡ không may, mình không chủ động được ngư trường thì rất mong tiếp cận các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi của ngành chức năng. Thế nhưng, qua theo dõi, các bản tin đó lại không thể cung cấp thông tin mà chúng tôi cần, không có tính thời sự”.
Còn hạn chế
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thời gian qua, ngành thủy sản đều thực hiện các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi trong mỗi tháng, phát trên sóng truyền thanh TP.Hội An và huyện Núi Thành để giúp ngư dân tiếp thu, chủ động sản xuất. “Khi sản xuất trên các vùng biển xa, ngư dân bắt buộc phải ghi nhật ký, phục vụ cho việc hỗ trợ nhiên liệu theo cơ chế của Chính phủ. Trong sổ nhật ký đó, còn có các mục về thời gian thực hiện chuyến biển, thời gian thực hiện mỗi mẻ lưới trong chuyến biển đó, sản lượng hải sản thu được trong mỗi chuyến biển, vị trí thả lưới, chi phí chuyến biển, doanh thu… Khi nhận các thông tin này, chúng tôi kết hợp với các dữ liệu tích lũy trong thời gian qua cộng với nội dung các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi của trung ương cung cấp, “kết tinh” thành bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi giúp ngư dân Quảng Nam sản xuất thuận lợi trên các vùng biển xa” – ông Võ Tấn Thành – cán bộ phụ trách về ngư trường, nguồn lợi (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết. Theo ông Thành, rất khó xác định được xác suất thành công trong chuyến biển của ngư dân khi sản xuất theo các tọa độ, ngư trường ngành chức năng cung cấp.
Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, dự báo ngư trường, nguồn lợi là một trong nhiều lĩnh vực mà ngành thủy sản bắt buộc phải thực hiện theo nhiệm vụ quản lý nhà nước. Để thực hiện công tác này, ngành thủy sản không có thiết bị hỗ trợ, phòng thí nghiệm, máy móc phân tích dữ liệu không có, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chứ không được đào tạo riêng cho dự báo ngư trường, nguồn lợi. “Chúng tôi đã rất nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ này mà chưa có cơ chế hỗ trợ nào. Kinh phí chỉ đủ để ký hợp đồng phát sóng ở 2 đài truyền thanh là TP.Hội An và huyện Núi Thành trong khi đó trên địa bàn tỉnh có đến 6 huyện, thành phố, thị xã có hoạt động nghề cá. Rất khó xoay xở nếu bắt buộc chúng tôi cung cấp các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi chuyên nghiệp như Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) đang thực hiện” – ông Thành nói. Ông Thành cho rằng, có bất cập trong dự báo ngư trường, nguồn lợi. “Chúng tôi không thể cùng ngư dân vươn khơi để nắm các số liệu cụ thể, biết được các điều kiện sinh thái, môi trường biển, hải lưu, sinh vật biển có liên quan đến hoạt động riêng rẽ của từng đàn cá. Các số liệu thu thập được thường cũ mà hải sản có phạm vi hoạt động rộng, liên tục di chuyển nên rất khó biết được dự báo ngư trường, nguồn lợi đúng đến đâu” – ông Thành nói thêm.
Ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn ngày một tăng thêm. Kết quả này nhờ vào tổng hòa của nhiều yếu tố, gồm năng lực sản xuất tăng lên qua hoạt động của tàu vỏ thép, vàng lưới hiện đại, các máy móc, thiết bị công nghệ mới; nhờ vào trình độ tổ chức sản xuất trên biển của các chủ tàu ngày một chuyên nghiệp hơn; đội ngũ lao động nghề cá ngày càng được nâng cao trình độ. “Các máy móc hiện đại và kinh nghiệm đi biển đã hỗ trợ tối đa, giúp cho chủ tàu, thuyền trưởng, các lao động nghề biển khai thác hải sản hiệu quả hơn. Điều trăn trở là ngư dân đang thiếu hỗ trợ thiết thực của các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi. Công tác này còn gò bó, chưa theo kịp thực tiễn” – ông Sơn nói.