Sự tĩnh lặng đang bao trùm các bãi nghêu ven biển phía đông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mùa này những năm trước, xã viên các hợp tác xã (HTX) nghêu đang háo hức chuẩn bị cho vụ “cào” nghêu đón tết, nhưng năm nay, thay vào đó là cả một sự hụt hẫng lan tràn.
Thất mùa, rớt giá
Sự thất vọng bắt đầu kể từ vụ nghêu năm ngoái, khi nguồn nghêu non (nghêu giống sinh sản tự nhiên) xuất hiện không nhiều như vài năm trước đó. Tại vùng chuyên quản lý, khai thác nghêu non tự nhiên ở Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Nhàn, chủ nhiệm HTX nghêu Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thở dài nói: “Năm ngoái, với diện tích rộng lớn hơn 6.000ha bãi nghêu nhưng gần như thất trắng, không thu hoạch được gì”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các bãi nghêu thuộc tỉnh Bến Tre. Ông Nguyễn An Ri, chủ nhiệm hợp tác xã nghêu Rạng Đông (Bình Đại, Bến Tre) cho rằng: “Năm rồi nghêu cám (nghêu non) rất ít tại các sân nghêu, nên sản lượng nghêu thịt trong năm nay dự báo sẽ không nhiều, giảm khoảng 30% so năm 2012”.
Con nghêu miền Tây đang mất dần lợi thế.
Thất vọng lớn nhất đối với người dân xứ nghêu hiện tại là thất mùa, trong khi đó giá nghêu thịt hiện ở mức thấp mà cũng ít người mua. Theo ông Ri, giá nghêu thịt hiện chỉ khoảng 19.000 đồng/kg (loại 80 con/kg) tương đương phân nửa mức giá cùng kỳ năm rồi. “Nghêu thịt ở các tỉnh miền Trung, phía Bắc đang tấn công mạnh vào thị trường các tỉnh phía Nam, khiến giá nghêu thịt ở ĐBSCL giảm mạnh”, ông Ri giải thích. Theo ông Ri, nghêu cỡ trung (khoảng 120 con/kg) dùng làm con giống nuôi, hiện giá bán cũng chỉ ở mức 20.000 đồng/kg, người dân sống nhờ vào nguồn lợi nghêu đang gặp khó.
Tại Tiền Giang, vùng nghêu Gò Công Đông cũng đang “lên ruột” vì giá nghêu bán lẻ nhiều nơi chỉ bình quân khoảng trên dưới 15.000 đồng/kg. Trong lúc đó, theo ông Trần Văn Chỉ, người dân bãi nghêu Tân Thành (Gò Công Đông), thì “giá nghêu thịt phải ở mức trung bình 20.000 đồng/kg, những người “chăn” nghêu mới sống được”.
Lợi thế đang sa sút
Nghêu từ các tỉnh phía Bắc hiện đang tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh phía Nam được cho là nguyên nhân khiến giá nghêu thịt ở ĐBSCL giảm mạnh. Nhiều người cho đây là một nghịch lý khi theo các chuyên gia thuỷ sản, khu vực bãi pha bùn, nước ấm là lợi thế rất lớn để quản lý khai thác nguồn nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò…) Do vậy, việc con nghêu thất thế ngay tại vùng có nhiều thế mạnh cần thiết được nghiên cứu sâu cả về thị trường lẫn môi trường tự nhiên.
Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 9.000ha mặt nước ven biển thuộc các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đang được quản lý khai thác nghêu thịt, nghêu giống các loại, tổng sản lượng hàng năm có thể đạt gần 30.000 tấn. Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, diện tích tiềm năng phát triển các bãi khai thác nghêu có thể lên tới 15.000ha. Tiền Giang với khoảng 2.000ha bãi nghêu ở Gò Công Đông, năng lực khai thác cũng có thể lên tới 20.000 tấn.
Sản lượng nghêu thịt hàng năm chưa lớn lắm nên chủ yếu phục vụ ngành chế biến xuất khẩu, một phần nhỏ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo các nhà xuất khẩu, mặt hàng nghêu được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, kể cả những đất nước “khó tính” trong chọn lựa sản phẩm nhập khẩu. Giá nghêu nguyên con xuất sang các nước Mỹ, EU năm ngoái trung bình ở mức 2 USD/kg, thịt nghêu đông lạnh 3,5 – 4 USD/kg. Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) lạc quan: “Dù kinh tế thế giới khủng hoảng, nhưng thị trường xuất khẩu nghêu đi các nước thuộc EU, Mỹ luôn ổn định; giá cả ít biến động do các hợp đồng xuất khẩu mặt hàng nghêu thường được ký dài hạn ngay từ đầu năm”.
Tuy nhiên, thông tin từ hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc và Hàn Quốc đang thống lĩnh thị trường nghêu Nhật Bản với giá trị nhập khẩu nghêu từ các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm gần 50% tổng giá trị hơn 130 triệu USD nhập khẩu nghêu vào Nhật Bản. Tương tự, Hàn Quốc cũng chiếm khoảng 40%. Trong khi đó, cuối năm ngoái, giá trị xuất khẩu nghêu của các doanh nghiệp Việt Nam vào Nhật Bản dù còn rất nhỏ lại giảm đi gần 10% so cùng kỳ năm trước đó. Theo VASEP, không chỉ riêng con nghêu, hầu hết sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ Trung Quốc đều chiếm tỷ trọng cao tại Nhật Bản nhờ giá bán cạnh tranh và nguồn cung ổn định.
>> Theo giới phân tích thị trường, cần thẩm định lại sản lượng nghêu của cả nước, xác định chính xác xuất xứ của lượng nghêu được cho là từ các tỉnh phía Bắc đang tấn công các “mỏ nghêu” ĐBSCL, từ đó có các phương án đảm bảo giá trị cho sản phẩm nghêu đang “chạy chợ” với giá rẻ. Đây cũng là biện pháp để cứu các vùng nguyên liệu nghêu thịt ở khu vực ĐBSCL. |