T2, 06/07/2020 12:39

Cơn sốt lặn cá ngựa và rủi ro tai nạn

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, lặn bắt cá ngựa đem lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn.

Cá ngựa có giá bán hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/kg

Cá ngựa có giá bán hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/kg

Hiểm nguy rình rập

Gần đây cá ngựa xuất hiện nhiều, cùng với thời điểm này một số loài hải đặc sản trên toàn vùng biển Bình Thuận đang bị cấm khai thác (từ ngày 1/4 đến 31/7), trong đó gồm sò lông, điệp, dòm nâu, bàn mai, nghêu lụa. Việc cấm là để bảo vệ nguồn lợi hải sản và các loài nhuyễn thể trong mùa sinh sản. Do đó, nhiều chủ ghe và thợ lặn hiện cũng chuyển từ lặn nhuyễn thể sang lặn cá ngựa. Khu vực biển các ghe tập trung lặn nhiều là Phan Thiết. Không chỉ ghe địa phương mà ghe các địa phương có nghề lặn phát triển như Chí Công, Phước Thể cũng tề tựu về đây lặn. 

Theo một số chủ nghe cho biết: Trung bình mỗi ngày nếu lặn trúng luồng cá nhiều, mỗi thợ lặn có thể kiếm được gần 1kg với giá bán hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/kg, chưa trừ ăn chia với chủ ghe. Theo ngư dân, cá ngựa có nhiều loài như cá ngựa gai, cá ngựa lớn, cá ngựa thân trắng, cá ngựa chấm… cá ngựa sau khi đánh bắt được các đầu nậu thu mua, sau đó phơi khô. Ông Mười Hồng, chủ một vựa thu mua ở xã Chí Công (Tuy Phong) cho biết: Cá ngựa sau khi phơi khô bán cho các thương lái Trung Quốc. Họ cho biết là mua về làm thuốc, với giá dao động từ 18 – 20 triệu đồng/kg cá khô. Cá ngựa là một vị thuốc trong đông y, còn được gọi là hải mã, thủy mã, hải long. Nhiều vùng ở Việt Nam cũng biết dùng loại cá này để làm thuốc. Cá ngựa vị ngọt, tính ôn, không độc, có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, tiêu báng hòn, nhọt sưng, thúc đẻ, chữa liệt dương ở nam giới và hiếm muộn ở phụ nữ. Tuy nhiên mặt hàng này cũng khá hiếm do cá ngựa trong tự nhiên ít và số lượng người tham gia lặn bắt cũng khá ít, do không kinh tế bằng lặn các loài khác. “Thủ phủ”  nghề lặn như Chí Công cũng không có ghe nào chuyên lặn bắt cá ngựa, mà chủ yếu nguồn cá thu mua từ các ghe giã cào. Hiện nay do đang “sốt”, nên nhiều ngư dân hành nghề thợ lặn và chủ ghe đang tập trung khai thác. Do cá sống ở khu vực nước sâu, lại liên tục di chuyển không như sò, nên việc lặn bắt cá ngựa phải đối mặt với hiểm nguy, có khi đánh đổi cả tính mạng. Mới đây nhất tại TP. Phan Thiết đã xảy ra 2 vụ tử vong do bị ép nước trong lúc lặn, trong đó trường hợp ngư dân Võ Văn Đồng (SN 1972, trú tại khu phố 4, phường Đức Long) vào ngày 27/4, khi tham gia lặn cho một chủ ghe ở Phan Thiết. Trước vụ anh Đồng 3 ngày, một ngư dân khác cũng bỏ mạng khi tham gia lặn bắt cá ngựa.

Để hạn chế rủi ro

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tình trạng ngư dân gặp nạn trong hành nghề lặn trên biển khá phổ biến. Hậu quả tai nạn từ nghề lặn là tàn phế do liệt não, tổn thương tủy sống, điếc do thủng nhĩ, tiêu xương do nhồi máu tủy xương, trầm cảm… Do thợ lặn chủ yếu là lao động chính trong gia đình nên khi gặp nạn thường để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân dẫn đến các tai nạn là người lặn không được huấn luyện đúng kỹ thuật, mà thường theo kinh nghiệm kiểu cha truyền con nối; do vậy họ không tôn trọng quy tắc về thời gian lặn, độ sâu khi lặn, kỹ thuật nghỉ trong quá trình lặn. Đồng thời không có thiết bị lặn hoặc có thiết bị nhưng không đúng tiêu chuẩn, còn thủ công.

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, cảnh báo những rủi ro cũng như phòng tránh để ngư dân hạn chế thấp nhất tai nạn. 

Trần Huỳnh

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!