Gọi còng gió, vì đây là loại còng chạy rất nhanh, tưởng có thể bằng cả tốc độ của gió. Cho nên, hoá ra đi bắt còng gió nhưng sự thật là phải chạy đuổi mới kịp chúng.
Còng gió. Ảnh: PBT
Thời kỳ nước ta chưa thoát khỏi bao cấp, làng chài ven biển quê tôi nghèo lắm. Tiền bán con cá, con tôm không đủ để chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày. Gặp buổi tiết trời biển động, sóng to gió lớn, thức ăn không có gì ngoài mắm rau, con còng gió trở thành món ăn chính trong bữa cơm gia đình. Còng thường đem kho mặn để lấy nước chấm rau, đem nướng hoặc nấu cháo trừ bữa.
Bây giờ đời sống khá lên, có dịp về thăm quê cũ, tôi hiếm thấy dân làng rủ nhau chạy còng gió, có chăng cũng chỉ để cho vui khi giới thiệu với bà con, bạn bè từ phương xa ghé lại thăm chơi.
Còng gió đào hang trên cát, ăn sóng biển và các loại phù du khác. Trời có trăng, thịt còng gió không ngon. Muốn bắt còng phải chọn những ngày tối trời, thường là từ 25 đến mồng 5 âm lịch hằng tháng. Ðuốc đốt sáng bằng rơm nêm chặt, tốt nhất là dùng lốp xe đạp hay xe Honda, lấy cây buộc chặt cố định một đầu để cầm cho khỏi nóng.
Ban đêm còng gió xuống mép biển kiếm ăn bỏ mặc hang ở trên bờ. Nhân thời cơ ấy, người cầm đuốc cứ chạy đuổi theo còng, còn lại từ 5 đến 10 người chia thành 2 tốp, 1 chặng đường về hang của còng, 1 xuống mép biển để đuổi bắt. Áo quần ai nấy đều ướt vì phải lăn xả bắt còng. Bao giờ đuốc sáng cháy cạn, soi vào thùng thấy còng đã kha khá, có thể về dùng đủ bữa tối ngon lành mới thôi không bắt nữa.
Thịt còng gió làm sạch có thể chế biến thành nhiều món ngon. Cho dầu ăn vào chảo, phi hành, đổ còng vào sẽ thành món chiên giòn khoái khẩu. Cứ để thịt còng ráo nước, nhen bếp than hồng, nướng từng con một, mùi thơm bay toả kích thích khiến ta khó thể cầm lòng, ấy là món còng nướng mọi. Nếu cần ăn một lúc nhiều người, còng gió có thể dùng để nấu cháo. Bụng đói, ăn chén cháo còng gió, mồ hôi toát ra dễ chịu, đêm đó ta sẽ dễ dàng ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng./.