COVID-19 thay đổi ngành cá tra Việt Nam?

Chưa có đánh giá về bài viết

Dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên thế giới. Sự tác động của đại dịch này đã khiến tình hình giao thương bị hạn chế đi rất nhiều, ngành cá tra Việt Nam cũng không thoát khỏi hệ lụy. Sản xuất trong nước vô cùng khó khăn, xuất khẩu cũng không sáng, dù vậy vẫn có những tín hiệu đáng chờ đợi.

Giá cá nguyên liệu giảm sâu

Ngay từ cuối tháng 2, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước, người nuôi thua lỗ nặng.

Theo Tổng cục Thống kê, nghề nuôi cá tra đang gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cá tra hiện thấp nhất trong 10 năm qua, người nuôi đang lỗ từ 3.500 – 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân được xác định là do tác động từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp khó khăn trong khâu đầu ra. Do vậy, doanh nghiệp giảm thu mua cá nguyên liệu cả sản lượng lẫn giá cả khiến lợi nhuận của người nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Lê Quang Vinh, nuôi 2 ha cá ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, An Giang, than thở: “2 ha cá của gia đình nuôi kéo dài hơn 10 tháng khiến cá quá lứa tới 1,8 kg/con, mãi không bán được. Vừa qua, một nhà máy mua với giá 17.700 – 18.000 đồng/kg, nhưng 3 tháng sau mới thanh toán tiền. Tính ra lỗ bình quân 5.000 – 6.500 đồng/kg”.

Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất, dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) lại cảm thấy bất an khi hiện nay, nếu cá đẹp, doanh nghiệp mua ở mức 18.500 – 19.000 đồng/kg trở lại, trong khi giá thành nuôi đã 22.000 đồng/kg. Thế nhưng, việc tiêu thụ rất chậm, chưa kể, đa phần nhà máy nợ vài tháng, khiến người nuôi thiệt đơn thiệt kép.

 

Quan tâm xu hướng mới

Xuất khẩu cá tra từ năm 2019 đã gặp khó khăn, thế nhưng, từ đầu năm 2020 còn bế tắc hơn nhiều khi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới.

Thách thức đầu tiên của năm 2020 là đợt dịch bệnh do virus corona diễn ra tại Vũ Hán. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc giảm 50% trong 2 tháng đầu năm do gián đoạn và ách tắc trong khâu vận chuyển, kho bãi.

Tiếp đến, khi dịch bùng phát rộng ra thế giới, xuất khẩu cá tra lại càng khó khăn. Giám đốc một doanh nghiệp tại An Giang cho biết, khó khăn tứ phía đang vây các doanh nghiệp cá tra, sản lượng sản xuất giảm 30 – 40%; việc tồn kho rất nhiều, doanh nghiệp tốn kém thêm chi phí bảo quản, chôn dòng vốn hoạt động, kinh doanh không hiệu quả…

Tuy nhiên, trong cái khó này vẫn có những tín hiệu khởi sắc, khi xuất hiện xu hướng nhập khẩu mới. Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống. Những sản phẩm thủy sản đóng hộp cũng sẽ được ưa chuộng.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, nhận định “đơn hàng cá tra chế biến có thể tăng đột biến”. Theo bà Tâm, cá tra fillet đông lạnh là mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở nhiều thị trường nên có nhu cầu lớn cả trong và sau dịch bệnh COVID-19.

 

Chú trọng yếu tố thị trường

Theo phân tích của một số chuyên gia, từ khi xảy ra dịch bệnh, một số doanh nghiệp rất khó đưa cá tra sang Trung Quốc do tiêu thụ trì trệ, vận chuyển trở ngại, chưa kể việc thu hồi số nợ trước đó cũng bị chậm. Hiện nay, khi dịch COVID-19 bùng phát tại châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ… đã làm đầu ra của cá tra càng thêm khó. Với điều kiện này, việc tìm hướng đi mới cho con cá tra là rất cấp bách, trong đó, cần nhìn nhận lại toàn diện các thị trường.


Tiềm năng thị trường Ấn Độ

Với dân số trên 1 tỷ người, Ấn Độ được nhận định là một thị trường đầy tiềm năng cho cá tra Việt Nam. Trước tiên, do yếu tố tôn giáo, thị trường này ưa chuộng thịt cừu, dê, gà và thủy hải sản. Hơn nữa, mặc dù ước tính Ấn Độ nuôi khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá vàng và sản phẩm fillet không so được với các doanh nghiệp lâu đời của Việt Nam. Do đó, cá tra fillet Việt Nam vẫn được ưa chuộng tại các nhà hàng của nước này. Tuy vậy, cái khó là Ấn Độ áp thuế nhập khẩu đối với cá tra fillet rất cao (65%) cùng với hệ thống kho lạnh, siêu thị chưa được đầu tư đầy đủ. Thế nhưng, nhiều doan nghiệp cho rằng điều này vẫn có thể khắc phục được.


Tận dụng lợi thế tại EU

Hiệp định EVFTA chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2 vừa qua, dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tận dụng lợi thế khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới, cá hun khói lộ trình 7 năm.

Chưa kể, thị trường EU vốn có nhu cầu lớn với các sản phẩm cá thịt trắng, trong khi đến nay, các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc chưa phục hồi dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại khu vực này.


Quan tâm thị trường nội địa

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ cách đây 5 – 10 năm, đã có doanh nghiệp tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa. Trong bối cảnh xuất khẩu đang bí bách, việc doanh nghiệp quay về thị trường nội địa 100 triệu dân là một hướng đi đúng.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng, nhận định trong năm 2020 sẽ thúc đầy nhiều hơn vào thị trường trong nước. Mục tiêu của ngành hàng cá tra là thị trường nội địa sẽ chiếm 10 – 15% tổng sản lượng, giúp giảm sự phụ thuộc của cá tra vào xuất khẩu.

Mặc dù không thể sánh được với các thị trường lớn và lâu đời, thế nhưng, sự khởi sắc tại các thị trường mới tiềm năng và nội địa cũng là một hướng đi đầy khả quan của ngành cá tra Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh do COVID-19 vẫn đang phủ mây mù trên toàn thế giới.

>> Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Giả sử mỗi người Việt Nam ăn 2 kg cá tra/năm. Như vậy, cả nước tiêu thụ được 200.000 tấn cá, những áp lực từ thị trường xuất khẩu sẽ giảm đi rất nhiều.  

Phạm Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!