Từ ngày 25/5 – 6/6/2016, Cục Kiểm ngư đã triển khai thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 301/QĐ-TCTS-KN ngày 19/5/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
Mục tiêu của đợt tuần tra nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế; nắm bắt tình hình tàu cá của ngư dân hoạt động trên vùng biển bị ô nhiễm và vùng biển không chịu ảnh hưởng. Tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống ô nhiễm môi trường biển, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản, duy trì sự ổn định hoạt động nghề cá trên các vùng biển góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đồng thời tuyên truyền với ngư dân khai thác thủy hải sản nhận thức đúng về pháp luật thủy sản, hiện tượng cá chết và sự ảnh hưởng của sản phẩm đến sức khỏe con người, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản đúng pháp luật, hỗ trợ ngư dân, làm chỗ dựa cho ngư dân trong quá trình sản xuất trên biển.
Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư, hiện nay tàu thuyền của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đa số là các tàu cá cỡ nhỏ hoạt động ven bờ, công suất dưới 20 CV chiếm gần 80% (Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) nằm chủ yếu ở vùng bãi ngang, khai thác ven bờ hiệu quả sản xuất không cao; số lượng lớn ngư dân khai thác hải sản ven bờ, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ văn hóa thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình hình khai thác thủy sản trái phép, không theo quy định của ngư dân ta ngày càng gia tăng. Tình trạng tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, đánh bắt trộm thủy sản trong khu vực Vịnh Bắc Bộ diễn ra thường xuyên, liên tục, ngày càng nhiều.
Hiện tượng cá chết bất thường thời gian vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, nhất là ngư dân vùng ven biển, các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ lẫn xa bờ đều khó tiêu thụ, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn các tỉnh. Hơn một tháng qua, các tàu cá ở vùng bãi ngang và tàu khai thác ven bờ của các tỉnh gần như nằm bờ hoàn toàn, gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của ngư dân và người tiêu dùng.
Qua đợt tuần tra, kiểm tra trên các vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, Cục Kiểm ngư cho biết, đa số ngư dân nhận thức và thực hiện tốt quy định đánh bắt hải sản cách bờ từ 20 hải lý trở ra, đã chủ động khai báo ngư trường đánh bắt để được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác ở các vùng biển và yên tâm hơn khi sản phẩm đánh bắt đã tiêu thụ được nhất là các loại cá nổi như: cá nục, cá thu, cá ngừ, mực. Tuy nhiên, một số ngư dân còn chưa hiểu rõ quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, còn có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (Quảng Bình).
Kết hợp với việc tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá, Cục Kiểm ngư đã tuyên truyền về hiện tượng cá chết và sự ảnh hưởng của sản phẩm đến sức khỏe con người. Hiện tại, trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình không còn hiện tượng cá chết bất thường, ngư dân đã nhận được gạo, tiền hỗ trợ theo mức quy định của Chính phủ. Cục cũng đã phát hơn 200 tờ rơi và sổ tay cho ngư dân, thực hiện tuyên truyền cho nhiều lượt tàu cá của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi về các quy định khi tham gia khai thác thủy sản trên biển; giới thiệu về hình ảnh lực lượng Kiểm ngư và trang phục, tàu kiểm ngư. Đồng thời kiểm tra, nhắc nhở ngư dân trang bị đầy đủ thiết bị an toàn hàng hải trước khi đi khai thác như: Phao cứu sinh, các trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị thông tin liên lạc; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển.