T2, 06/07/2020 01:24

“Cung phụng” chủ tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỗi chiếc tàu đánh cá chuẩn bị ra khơi đều phải bỏ ra mấy trăm triệu đồng mua sắm phí tổn: dầu, nước đá, lương thực… Khi tàu quay về cập cảng có hàng chục tấn hải sản bán ra. Các chủ kinh doanh, từ ông bán dầu đến bà bán rau ở chợ thường xuyên hỏi han, chiều chuộng, chăm sóc, có thái độ “cung phụng” tốt nhất. Đó gọi là “dịch vụ hậu cần nghề cá”.


Cá về cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang, Khánh Hòa Ảnh: Hải Luận

Kỳ 2: Tiêu thụ hàng thủy sản

“Chợ” giữa Biển Đông

Ở giữa Biển Đông rộng lớn, chủ tàu đánh một mẻ đạt 5 – 15 tấn cá đổ ra boong tàu, lập tức có tàu thương lái cập mạn mua hết. Họ tiếp tục đánh bắt, phía sau đã có tàu thu mua chờ sẵn. Không phải bà con thân thích, họ không biết nhà ở của nhau, nhưng lúc bán cá, mua dầu trị giá cả tỷ đồng, không cần dùng tiền mặt, mà chỉ “chuyển khoản” với nhau bằng các mẩu giấy viết tay.

Mỗi nghề khai thác, mỗi vùng biển sẽ có một đội tàu mua bán khác nhau. Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận có đội “tàu đông” sắm cả hệ thống làm lạnh trên tàu thu mua, họ đi theo các tàu làm mành chụp mực ở vùng biển gần. Nhóm thu mua bậc trung theo đội tàu mua bán nghề lưới cản (rê), trũ trút, lưới màng… đi trong vùng biển lộng, thời gian 1 – 3 ngày. Với những người có tiềm lực tài chính mạnh sắm tàu lớn bám theo đội tàu lưới vây khơi. Tất cả các loại thương lái trên biển, họ luôn lấy buổi họp chợ ở đất liền để làm “trục xoay” chính, điều tiết tàu chạy dưới biển, xe ôtô lăn bánh trên đường. Họ đã tạo nên thị trường mua bán rất sôi động ở giữa Biển Đông.

Ông Phạm Y, thuyền trưởng chiếc tàu thu mua hải sản trên biển chở đầy 65 tấn cá dưa gang (họ cá ngừ) cập vào cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Nghỉ một ngày, ông tiếp tục bơm mấy chục nghìn lít dầu, nước ngọt, đá lạnh, hướng mũi tàu ra biển Trường Sa, ở đó có hàng chục chiếc tàu lưới vây đang đánh bắt.

– Tàu mình chuyên thua mua cá ở trên biển. Có làm gì thêm hay sao mà anh nói “ra giữ biển với anh em”? – tôi “móc” thẳng vào chi tiết đắt giá.

– Bọn tui chỉ mua cá của mấy ông lưới vây khơi, tầm hoạt động của tàu rất xa, chạy tàu từ bờ ra mất thời gian 2 ngày, 2 đêm mới đến nơi. Tàu lưới vây họ ở lại đánh bắt từ 1 – 2 tháng mới vào bờ. Lúc nào cũng có tàu thu mua đi theo với họ, có cá là mua ngay, tàu họ hết dầu mình cặp mạn bơm dầu qua. Dầu bọn tui bán cho mấy ông theo giá như trong bờ, nước ngọt cấp miễn phí, nước đá cũng biếu không. Lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân… mua và vận chuyển giúp không lấy tiền công. Làm như vậy mới “chơi” với nhau bền cả chục năm nay.

– Mua bán cá ngoài biển khơi phải “tiền trao cháo múc”?

– Đi biển mà cầm tiền làm gì, chỉ cầm 20 – 30 triệu đồng gặp mấy ông bạn câu được cá ngon mua chơi thôi. Cân cá lên bao nhiêu tấn, tui viết cho thuyền trưởng tờ phiếu làm bằng chứng. Mấy ông mua bao nhiêu tấn dầu cũng viết tờ phiếu. Vào bờ, có bộ phận của công ty đến Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra “lai lịch” và nhật ký khai thác của mấy ông này có ra nước ngoài khai thác không. Mọi chuyện “thông” hết, mới chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho các chủ tàu cá không thiếu một đồng.

Chủ – bạn cùng hợp sức bám biển

Nghề khai thác biển vô cùng khổ cực, thậm chí mạng mình như “treo” đầu ngọn sóng. Ông Bùi Mông, chủ và thuyền trưởng hai chiếc tàu lưới vây, TP Cam Ranh nói lên sự thật: “Sắm chiếc tàu vài tỷ đồng, có nhiếc trên 10 tỷ đồng, ông chủ nào cũng phải còng lưng làm suốt ngày đêm để lo trả trợ, nó thuận theo tự nhiên.

Trước đây nghề lưới vây ra biển cho tàu chạy từ ngày này qua ngày khác để đi tìm “chà” (cục gỗ) trôi giữa biển, đó là cái bóng giống như “ngôi nhà” của các đàn cá dưa gang tới cư ngụ. Tàu theo sát “chà”, ban đêm lặn xuống trinh sát xem cá có đến ở nhiều để buông lưới vây trọn đàn cá. Hai năm gần đây, ngư dân chúng tôi đã “phát minh” dùng chính chiếc tàu đánh cá thả neo dù trôi theo dòng nước làm “chà” luôn. Tàu thả trôi càng lâu thì cá về ở càng nhiều. Trận đánh hoàn hảo, sử dụng “ghe cò” (tàu nhỏ) làm ngôi nhà của cá, ban đêm đưa tàu lớn tới bao lưới đánh bắt, tàu to chạy vào bờ bán cá hoặc bán cho tàu nậu (tàu thu mua), “ghe cò” tiếp tục ở lại câu giữ cá về quần tụ. Tàu lớn quay ra đánh tiếp. Hai chiếc tàu phải thay quân liên tục, để mọi người được về ghé thăm nhà chút đỉnh. Làm như thế này mà vẫn chưa giữ chân lao động ở lại dài ngày trên biển. Hiện nay, nhiều tàu cho lao động đóng cổ phần sắm giàn lưới để ăn chia theo tỉ lệ: tàu “ăn 3”, lưới “ăn 3” và người “ăn 4”. Ví dụ, làm chuyến biển được 200 triệu đồng, trừ phí tổn hết 100 triệu. Tiền dư 100 triệu đồng, chia chủ tàu 30 triệu đồng, chủ lưới 30 triệu đồng, lao động sản xuất 40 triệu đồng. Như vậy, người lao động “ăn 7” (70 triệu đồng). Đây mới là động lực để họ ở lại 2 tháng liên tục trên biển.

Điều tiết thị trường linh hoạt

 “Cảng cá Hòn Rớ là cái “bầu chứa” lớn cho cả ngàn chiếc tàu đánh cá của tỉnh Khánh Hòa và hàng loạt chiếc tàu Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… cũng đổ về đây bán cá.

Những ngày trăng sáng, tàu đánh cá bắt đầu chen nhau vào cập cảng bán cá. Tàu ông Quyền dài 32 m, có bộ gông, giàn cẩu đồ sộ, cồng kềnh vẫn cố chen lọt vào để giải quyết nhanh 70 tấn hải sản. Trên cảng có đoàn xe đông lạnh, máy xay đá nổ ầm ầm, lực lượng bốc vác đang chờ sẵn…

Tàu đánh bắt đủ số lượng hải sản, quay mũi cho tàu về bờ, cả chủ tàu và thuyền trưởng lên bộ đàm hỏi giá ở các chủ vựa thu mua trong phạm vi mấy tỉnh lân cận tàu có thể cập vào được. Đánh ở vùng biển Trường Sa có thể cập tàu vào Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nếu đánh ở vùng biển Hoàng Sa sẽ vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. “Gặp khách hàng “ruột” của mình thì chuyện mua bán dễ dàng, giá có lên xuống chút đỉnh đều trao đổi với nhau chân tình. Tội nghiệp với mấy ông “tàu lạ” ở tỉnh khác đến, gặp mấy bà thu mua “trời ơi” phát giá mua cao để kéo tàu đang ở ngoài biển về cảng. Lúc đầu họ mua một ít theo giá cao như chào hàng ban đầu, sau đó lấy cớ chất lượng sản phẩm kém, đánh hạ giá mua thấp xuống. Chủ tàu và chủ vựa cải nhau tùm lum, dừng mua bán. Chủ tàu lại kêu người khác đến mua với giá thấp hơn nữa, buộc phải bán. Tính gộp lại, chủ tàu vẫn bán giá thấp hơn giá thị trường”- ông Nguyễn Văn Dảo, chủ vựa thu mua ở Nha Trang nói lên thực trạng.

Chiêu khác, mấy bà “vỏ điện thoại” hại mấy chủ vựa cảng cá. Ví dụ, ở Quảng Ngãi có mấy “bà cò” gọi điện cho vợ chồng ông Dảo nói tại Quảng Ngãi vắng tàu đi biển, các chợ ít cá bán. Bà Yến, vợ ông Dảo kể: “Mình nghe vậy thấy mừng, bóc lên mấy xe cá chạy ra Quảng Ngãi bán. Ra đến nơi tàu cá vào đầy cảng, chợ tràn ngập cá. Hỏi mấy “bà cò” sao làm ăn kỳ vậy? Mấy bả bảo, tui đâu có biết. Việc mấy bà chỉ “vỏ điện thoại” với mình để ăn hoa hồng trên đầu ký (kg), lời hay lỗ mấy bà cũng ăn. Chỉ có người đi kinh doanh mới lỗ chổng vó”.

– Mỗi ngày ở các cảng cá miền Trung có hàng nghìn tấn hải sản, làm bằng cách nào để tiêu thụ cho hết? – tôi hỏi.

– Điều tiết thị trường là do các vựa cá như chúng tôi đây. Mình phải hiểu mỗi mùa vụ, vùng biển sẽ có nghề nào đi khai thác. Chẳng hạn, mùa hè ở vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa họ đánh nghề lưới vây, mành chụp, câu bò gù (cá ngừ đại dương) lặn khơi… Qua tháng 10 đến tháng Giêng năm sau khi có gió Đông Bắc nổi lên sẽ vào mùa đánh lưới cản. Đội tàu bạn hàng chí cốt của mình đi đánh ở đâu, họ sẽ gọi mình đến mua ở đó. Tui đang ở Nha Trang muốn biết thị trường ở Vũng Tàu như thế nào thì tui phải xây dựng một vài người trung thành để họ báo thị trường cho mình biết. Mình cũng phải làm tốt cho những người bạn ở Quy Nhơn, Phan Thiết, Cà Ná… Bây giờ công nghệ thông tin tốt, “chào hàng” với nhau qua Zalo, chỉ vài phút họ chụp ảnh cá gửi cho mình. Từ đây mình tiếp tục “bắn” ảnh đi chào hàng chỗ khác. Chậm lắm trong vòng 30 phút là chốt giá và số lượng hàng luôn. 

Sóng ngầm thị trường

Lang thang ở cảng cá Hòn Rớ lớn nhất Nam Trung bộ bắt đầu từ 2h sáng mới thấy hết sự sôi động của thị trường thủy sản. Lớp xe đông lạnh bóc hàng đi đường xa, lớp mấy bà thu mua cá ở các chợ huyện tranh thủ đến sớm chọn mua cá tươi để mang về chợ trước 6h sáng. Ồn ào nhất là mấy bà “cai bán hàng”, mấy chiếc tàu lưới cản hoặc lưới vây ở các tỉnh khác cập vào bán cá, không có vợ con đi theo hỗ trợ. Bà “cai bán hàng” thay mặt chủ tàu đứng ra lựa chọn phân loại 1, 2, 3 rồi định giá bán tương ứng. Bán xong một tàu cá, ông chủ trả thù lao vài trăm nghìn đồng.

Tại mỗi cảng cá sẽ có những chủ doanh nghiệp, vựa cá lớn đứng mua trực tiếp các tàu đánh cá, hoặc mua lại “vựa nhảy dù” chênh 1.000 – 2.000 đồng/kg. “Vựa nhảy dù” là chủ vựa thu mua ở Cà Ná (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận) theo đội tàu quen ra Nha Trang thu mua. Ông Nguyễn Ngọc Danh, chủ thu mua có tiếng ở Nha Trang, chia sẻ thông tin: “Tôi làm thu mua mấy chục năm nay, đã tạo lập các đầu mối thị trường sẵn. Cho dù 200 – 300 tấn cá vào cảng cùng một lúc, tôi vẫn xử lý nhanh để giải phóng cho tàu đi biển tiếp. Ví dụ, loại cá mó đã có khách hàng cá mó, cá mú chở vào TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, số khác bán tại Nha Trang. Cá nhỏ chuyển cho mấy xưởng làm chả cá xuất đi Trung Quốc, cá hàng thấp bán cho công ty chế biến thức ăn cho tôm”.

– Có một số chủ tàu cá vẫn phàn nàn vựa thu mua hay thiếu nợ?

– Nhiều lúc phải nợ, cả mấy chục chiếc tàu cùng cập cảng, có chiếc tiền sản phẩm hơn 1 tỷ đồng, ít cũng 300 – 400 triệu. Những lúc như thế này phải nợ chủ tàu vài hôm, sau đó công ty trả tiền gối đầu mình chuyển cho mấy anh liền. Lúc khác chủ tàu cá thiếu vốn đi biển, chạy đến tôi ứng trước cả trăm triệu đồng.

– Tình trạng “chạy” nợ của nhau có xảy ra ở Nha Trang không?

– Trước đây tôi bị mấy ông tàu cá mượn tiền không trả xảy ra như cơm bữa. Bây giờ “khôn” rồi, ai thực sự uy tín thì mới cho họ mượn xoay xở lúc khó khăn.

Phóng sự của Hải Luận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!