Sau 3 năm triển khai mô hình dạy nghề nuôi cá nước ngọt, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã vận động được hơn 70 học viên của 3 thôn Nam Thành, Khương Mỹ, Cẩm Toại Tây tham gia và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc làm giàu trên chính quê hương.
Huyện Trần Đề là của vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của Sóc Trăng, với 4.100 ha nuôi tôm thì có đến 3.200 ha nuôi công nghiệp, nên sản lượng tôm nuôi năm 2013 đạt được trên 13.000 tấn, chiếm gần 20% sản lượng nuôi toàn tỉnh. Sau 2 năm thiệt hại, nông dân Trần Đề đã ứng dụng nhiều biện pháp nuôi an toàn, ý thức người nuôi cao hơn, hạn chế thấp nhất rủi ro, có thể xem đây là sự tiến bộ tích cực để giữ vùng nuôi an toàn trong xu thế phát triển cho những năm tiếp theo.
Trần Đề được chọn là vùng nuôi tôm thâm canh có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong năm 2014, nên hạ tầng thủy lợi đang được tập trung để giải quyết căn bản tình trạng tồn đọng môi trường vùng nuôi. Hiện nay nông dân đang khẩn trương cải tạo ao để bắt đầu cho mùa vụ mới. Hiện đã có trên 300 ha được thả giống, mức độ thiệt hại chưa đáng kể, cho thấy điều kiện môi trường, thời tiết khá thuận lợi ngay từ đầu vụ. Ông Nguyễn Văn Xem ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hộ Thượng cho biết: “Hai năm vừa qua tình hình nuôi tôm khá thuận lợi đạt được năng suất cao, giảm thiệt hại. Cái quan trọng là thủy lợi cơ bản tốt, thông thoáng, không còn tồn đọng môi trường nên bà con rất phấn khởi”. Ông Trần Ngọc Hải ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng cho biết: “Năm nay thủy lợi ở đây thông thoáng, hiệu quả nuôi rất tốt nên bà con vùng này, nhất là vụ tôm năm nay ai cũng thấy an tâm”.
Từng bước hoàn thiện hệ thống cấp nước và thoát nước riêng biệt cho vùng nuôi, vai trò của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh là những người tâm huyết với nghề nuôi tôm nước lợ, đi đầu trong ứng dụng quy trình nuôi tiên tiến nhất để nhân rộng, với mục tiêu vừa nâng sản lượng vừa giảm chi phí đầu vào. Từ chính sách hỗ trợ tích cực của nhà nước, người nuôi tôm ở Trần Đề càng an tâm hơn trong mùa vụ mới. Ông Trần Hoàng Dũng – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết: “Năm nay thiệt hại từ đầu vụ đến nay thấp. Do thời tiết, độ mặn nên tiến độ xuống giống chậm. Nếu như độ mặn lên cao thì diện tích thả giống sẽ tăng lên rất nhanh”.
Chính sách đầu tư hạ tầng ngày càng hoàn thiện để người dân Trần Đề tiếp tục khai thác lợi thế của vùng đất ngập mặn ven biển thành công hơn. Với diện tích nuôi chỉ chiếm 10% diện tích nhưng sản lượng chiếm từ 20% – 30% sản lượng tôm hàng năm của toàn tỉnh, nên mục tiêu phát triển thành vùng nuôi thâm canh có ứng dụng kỹ thuật cao, để nâng sản lượng tôm nuôi của Trần Đề là hướng đi phù hợp với nguyện vọng của người nuôi.