Với nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư, đóng mới tàu thuyền để vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.
Từ khi có chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của thành phố, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư, đóng mới tàu lớn vươn khơi xa.
Tàu công suất lớn tăng mạnh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, trước năm 1997, thành phố chỉ có vài tàu có công suất từ 30CV đến dưới 90CV, khai thác chủ yếu ở vùng lộng và vùng ven bờ. Tuy nhiên, không để vùng biển xa, nhất là ngư trường Hoàng Sa bỏ ngỏ, sau cơn bão Chanchu 2016, được sự động viên của chính quyền các cấp, nhiều ngư dân bắt đầu mạnh dạn nâng cấp, đóng mới tàu có công suất trên 90CV để vươn khơi với các nghề chủ đạo là lưới rê, lưới bùng nhùng, lưới vây.
Đặc biệt, khi thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 7068/QĐ-UBND ngày 29-8-2012, sau này là Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 (gọi tắt là Quyết định 47) về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn với các mức hỗ trợ từ 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng/tàu có công suất từ 400 đến 800CV, số lượng tàu cá của Đà Nẵng bắt đầu thay đổi rõ rệt. Tính đến nay, toàn thành phố có 583 tàu cá có công suất trên 90CV, gấp 11 lần so với năm 2003 và gấp 2,8 lần so với cuối năm 2013, trong đó có 75% là tàu công suất trên 400CV; đặc biệt có những con tàu có công suất trên 1.300CV với đa chức năng là vừa khai thác vừa làm hậu cần.
Riêng 8 tháng đầu năm 2018, thành phố có hơn 10 tàu có công suất lớn được đóng mới đã hạ thủy. Giữa năm 2018, tại Âu thuyền Thọ Quang, bà Lê Thị Thu Nga (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hạ thủy tàu cá vỏ gỗ có số đăng ký ĐNa 91063 TS với công suất lắp máy 855CV sau gần 4 tháng đóng mới với tổng số tiền đầu tư là 3,38 tỷ đồng. Đầu tháng 8-2018, ngư dân Trần Hải (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hạ thủy tàu cá đóng mới công suất trên 800CV, chi phí hơn 3 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 800 triệu đồng. Theo ông Hải, đây là con tàu thứ 2 được ông hạ thủy trong một thời gian ngắn. “Việc hỗ trợ đóng mới theo Quyết định 47 của thành phố đã tạo động lực để ngư dân có tàu lớn vươn khơi làm kinh tế, bảo vệ chủ quyền”, ông Hải chia sẻ.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết từ khi có chính sách hỗ trợ của UBND thành phố, cơ cấu tàu thuyền và cơ cấu nghề khai thác hải sản của quận Sơn Trà chuyển dịch tích cực và mạnh mẽ. Hiện quận có 431 tàu cá đánh bắt xa bờ từ trên 90CV đến 1.200CV. Địa phương đang tích cực vận động ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá công suất từ 400CV trở lên để vươn khơi khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời, thực hiện tốt các chương trình khuyến ngư và hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị khai thác và bảo quản, nâng cao hiệu quả kinh tế…
Ngoài Sơn Trà, quận Thanh Khê là địa phương thứ 2 có sự thay đổi lớn về cơ cấu tàu thuyền. Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, 10 năm trở lại đây, quận Thanh Khê đã vận động ngư dân tiến hành cải hoán, đầu tư đóng mới tàu lớn để vươn khơi. Vì vậy, dù lượng tàu giảm nhưng công suất tàu đã tăng rất nhiều. Tính đến nay, quận có gần 130 tàu cá công suất lớn, bình quân mỗi chiếc đạt công suất 324CV, trong đó có trên 55 chiếc từ 400CV đến hơn 1.300CV làm các nghề lưới vây, lưới cản, lưới rê 3 lớp…, tập trung chủ yếu ở các phường Xuân Hà và Thanh Khê Đông…, góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt cho thành phố hằng năm.
Hình thành lớp ngư dân mới
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết hơn 10 năm trở lại đây, việc chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền theo hướng hiện đại cũng đã hình thành nên một lớp ngư dân mới, có trình độ, biết vận dụng khoa học công nghệ vào đánh bắt. Nếu như trước đây, việc khai thác hải sản nhiều nhưng do lối bảo quản truyền thống nên chất lượng hải sản thấp, giá thành rẻ thì những năm trở lại đây đã khác hoàn toàn. Những con tàu đóng mới đều được đầu tư, ngoài thiết bị máy móc phục vụ công việc khai thác thì ngư dân rất chú trọng đến hầm bảo quản cấp đông, bảo đảm quá trình vận chuyển về đất liền tiêu thụ giá trị hải sản gần như nguyên vẹn.
Ngư dân Lê Văn Sang (ngụ phường Thuận Phước, quận Hải Châu) là một ví dụ điển hình. Bỏ công việc trong ngành du lịch, anh Sang đến với nghề biển từ sự đam mê sau vài chuyến ra khơi cùng cha. Trẻ, ham tìm tòi, học hỏi, lại mạnh dạn đầu tư nên anh Sang đã đóng đội tàu làm công tác hậu cần với công suất từ 800CV- 1.290CV. Ngoài ra, Sang còn thành lập hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng nhà máy chế biến để tiến hành xuất khẩu cũng như cung cấp hải sản chất lượng đến các tỉnh, thành trong cả nước. Hay vợ chồng ngư dân Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) những năm qua đã mạnh dạn đầu tư đội tàu với 5 chiếc (bao gồm tàu đánh bắt và hậu cần). Mỗi chiếc tàu sau khi hạ thủy, ngoài việc tàu có công suất lớn, vợ chồng Nguyễn Sương luôn chú trọng đến hệ thống cấp đông, bảo quản hải sản theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Nhờ vậy, hải sản về bờ luôn bảo đảm chất lượng, giá thành cao, thu nhập ổn định. Với đội tàu 5 chiếc, hằng năm cho thu nhập hàng tỷ đồng, lao động có nguồn thu nhập cao.