Mặc dù ngư dân Đà Nẵng được hoạt động theo tổ, đội và nghiệp đoàn, song tính liên kết vẫn chưa được phát huy. Vì vậy, cần một mô hình cao hơn để tập hợp họ. Việc thành lập một hợp tác xã (HTX) về thủy sản trong tương lai, có thể sẽ là điều cần thiết.
Đà Nẵng hiện có trên 1.500 tàu thuyền hoạt động trên biển, trong đó có 410 chiếc có công suất từ 90CV trở lên; gần 100 tổ khai thác hải sản với 699 tàu cá, trong đó, xa bờ có 45 tổ với 191 tàu, 27 tổ tuyến lộng với 225 tàu, 25 tổ tuyến bờ với 283 tàu. Ngoài ra, thành phố cũng đã thành lập các nghiệp đoàn nghề cá. Sản lượng đánh bắt hằng năm khoảng 40.000 tấn hải sản.
Thành lập mô hình hợp tác xã về thủy sản là điều cần thiết trong tương lai.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, tính đoàn kết, thống nhất của ngư dân chưa thật sự được phát huy. Chính vì điều này, tình trạng ngư dân được mùa nhưng mất giá vẫn diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính để phục vụ cho quá trình hoạt động sản xuất của mình.
Ông Mai Đăng Nhiều, chủ tàu cá ĐNa 90029, đồng thời là Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cho biết, vai trò của nghiệp đoàn nghề cá thời gian qua cũng chỉ là nơi để gặp gỡ, trao đổi, chứ chưa phát huy hết khả năng của nó. Theo ông Nhiều, việc thành lập một HTX để tập hợp ngư dân và hoạt động theo khuôn khổ, nền nếp là điều cần thiết.
“Tuy nhiên, đây là một tổ hợp hoạt động ở mức cao, do đó, cần phải có những con người chuyên nghiệp để dẫn dắt, lãnh đạo. Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu mô hình HTX hiện nay, nếu không họ sẽ hiểu nhầm như những mô hình HTX thời bao cấp”, ông Nhiều cho biết.
Theo ông Võ Văn Xứng, cán bộ thủy sản phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, khi đã có HTX thì ngư dân hưởng khá nhiều cái lợi. Song, ông Xứng cho rằng, việc thành lập HTX không phải là việc đơn giản, bởi hiện nay, ngư dân hầu như đều được miễn giảm tất cả các loại thuế. Do đó, khi tham gia HTX, đây sẽ là vấn đề khiến ngư dân đắn đo, trăn trở rất nhiều.
Trong khi đó, thuyền trưởng Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) – chủ tàu vỏ thép SangFish 01 cho rằng, khi đã thành lập HTX thì có con dấu, có tư cách pháp nhân. Những ngư dân tham gia là những xã viên sẽ được khá nhiều quyền lợi. Bởi HTX sẽ là khâu trung gian, có thể đứng ra ký với các đối tác là những công ty thu mua hải sản, giúp cho ngư dân dễ dàng trong việc tìm đầu ra. Bên cạnh đó, việc đứng ra bảo lãnh cho ngư dân được tiếp cận vốn tại các ngân hàng cũng sẽ dễ dàng hơn…
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố cho rằng, ngư dân đánh bắt trên biển luôn phải đoàn kết chặt chẽ với nhau. Do đó, việc hoạt động theo tổ, đội là tất yếu. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển thì cần một hình thức cao hơn. Do đó, nếu thành lập một HTX để tập hợp ngư dân tham gia sẽ là một yêu cầu cần thiết. Bởi khi họ đã vào HTX, nếp sinh hoạt, suy nghĩ sẽ khác, dần dần ngư dân cũng sẽ cải tiến được quá trình đánh bắt cũng như bảo quản thủy sản, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đời sống sẽ được cải thiện.