Từ đầu năm đến nay, nhiều phương tiện hoạt động đánh bắt xa bờ ở Cà Mau liên tiếp trúng mùa với sản lượng lớn. Sau mỗi chuyến biển, bình quân mỗi phương tiện (tùy kích cỡ) cho thu nhập từ 80 – 170 triệu đồng. Chủ tàu và thuyền viên vô cùng phấn khởi và tiếp tục vươn khơi.
Sản lượng khai thác thủy sản ở huyện Ngọc Hiển tăng cao so với cùng kỳ
Ghi nhận tại huyện Ngọc Hiển, nhiều chủ tàu đã mạnh dạn chi số tiền lớn để sắm thêm ngư cụ, mở rộng ngư trường đánh bắt. Anh Châu Văn Huỳnh ngụ huyện Ngọc Hiển tâm sự, hơn 2 tháng nay, trung bình mỗi chuyến biển (từ 7 – 10 ngày) anh lãi khoảng 90 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí xăng dầu và chia cho bạn thuyền, anh còn hơn 40 triệu.
Đối với ngư dân Huỳnh Văn Trải thì niềm vui gấp bội, bởi anh liên tiếp trúng mùa, được giá cá thu. “Phương tiện của tôi chuyên đánh bắt cá thu, gần một tháng nay, tôi vươn khơi được 3 chuyến, mỗi chuyến lãi gần 100 triệu. Trừ tất cả các chi phí, phần của tôi còn được 50 triệu”, anh Trải hồ hởi.
Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển, trong quý I/2019, sản lượng khai thác thủy sản tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, trong tháng 3, sản lượng khai thác thủy sản của địa phương đạt 3.144 tấn (bằng 111,65% so với cùng kỳ), lũy kế quý I đạt 7.702/28.730 tấn (bằng 106,7% so với cùng kỳ và đạt 26,8% so với kế hoạch năm 2019).
Nói về việc sản lượng khai thác thủy sản quý I/2019 đạt cao hơn so với cùng kỳ, ông Tăng Thiện Tính, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển cho biết, do các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác tiếp tục được nâng cao hiệu quả, nhất là đầu tư phương tiện hiện đại cũng như hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, sửa chữa nâng cấp tàu cá theo Nghị quyết 67/NĐ-CP của Chính phủ để phục vụ đánh bắt xa bờ gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Theo nhận định của ông Tính, công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về đánh bắt, khai thác thủy sản tiếp tục được thực hiện, nguồn lợi thủy hải sản từ tự nhiên có dấu hiệu tăng lên.
Hoạt động thả giống về biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản
Tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời – của biển sầm uất bậc nhất tỉnh Cà Mau cho thấy, trong những tháng đầu năm 2019, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của ngư dân với các vựa thu mua và các cơ sở kinh doanh ngư cụ khá nhộn nhịp, khiến không khí làm việc, mua bán rất sôi động.
Ông Trần Văn Bảnh, ngụ huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Hiện đang bước vào vụ mùa đánh bắt, thời tiết thuận lợi nên gia đình tôi vừa chi gần 100 triệu mua sắm ngư cụ để mở rộng ngư trường đánh bắt. Những tháng này, cá thu có rất nhiều và giá cả cũng rất ổn định”.
Theo ông Bảnh, gia đình ông có 2 phương tiện có công suất 90CV, hoạt động ở vùng biển khơi. Những tháng đầu năm 2019, phương tiện của ông liên tiếp trúng cá thu với số lượng lớn và bán được giá cao. Ông đã bàn với gia đình tiếp tục mua ngư cụ để vươn khơi.
Chúng tôi tìm đến nhà của anh Lâm Văn Chính, ngư dân – ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc để tìm hiểu về công việc đánh bắt của gia đình anh. Đến nơi, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhận được, là lời chào rất thân thiện và hiếu khách. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Chính vừa dùng ghim (loại vật dụng dùng để vá lưới) đảo thoăn thoắt các đầu lưới và nhanh chóng kết thành tấm lưới rất khéo léo.
“Năm nào cũng, vào mùa này là ngư dân chúng tôi đều sắm sửa ngư cụ để đánh bắt. Người có điều kiện nhiều thì mua sắm nhiều, ai có ít thì mua ít, phải tự cân đối tài chính của gia đình. Em cứ đi khắp xóm biển này xem, hầu như nhà nào cũng có nhiều lưới mới trước nhà”, anh Chính cho biết.
Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: “Ngư dân địa phương đang tất bật sắm mới ngư cụ để mở rộng ngư trường. Từ sau tết đến nay, sản lượng khai thác thủy sản của địa phương tăng so với cùng kỳ rất nhiều. Hầu hết, ngư dân đều có được vụ mùa tương đối ổn định, tăng thu nhập”.
Ngư dân sắm sửa ngư cụ để vươn khơi đánh bắt
Trần Quốc Khải
Theo Báo Nông Nghiệp