Môi trường nước rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, mạng lưới quan trắc được thiết lập để kịp thời nắm bắt những biến động, xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, để những số liệu này “sống động” và đi vào thực tế cần phải có những giải pháp kịp thời.
Quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ ngành thủy sản
Nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, hoạt động quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thực hiện từ năm 2001 thông qua nhiệm vụ khoa học “Quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ ngành thủy sản”. Trên cơ sở đó, nhiều trung tâm quốc gia quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh được thành lập trực thuộc các viện nghiên cứu, tạo nên mạng lưới ở cấp bộ. Từ năm 2009, nhiều địa phương cũng xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ lực (tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá biển, cá tra…).
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản năm 2018, mạng lưới quan trắc môi trường có 449 điểm ở vùng nuôi tôm nước lợ, 137 điểm ở vùng nuôi cá tra, 71 điểm ở vùng nuôi nhuyễn thể, 239 điểm ở vùng nuôi cá rô phi/cá lồng bè, 59 điểm ở vùng nuôi tôm hùm. Đó là mạng lưới của Tổng cục Thủy sản và các địa phương. Bên cạnh, các hộ dân và doanh nghiệp cũng tiến hành theo dõi môi trường trong ao, nguồn nước cấp và tình trạng sức khỏe của đối tượng nuôi trong trang trại.
Điểm quan trắc đặt ở vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng nuôi thường xảy ra dịch bệnh hoặc hiện tượng chết hàng loạt, giám sát phục vụ lợi ích cộng đồng. Hình thức quan trắc là định kỳ, đột xuất và quan trắc kết hợp giám sát ao nuôi.
Quan trắc định kỳ hoạt động tại các kênh cấp nước vào vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra, riêng với nhuyễn thể và tôm hùm thì điểm thu mẫu là vùng nuôi tập trung. Quan trắc đột xuất khi vùng nuôi xuất hiện dịch bệnh hoặc vật nuôi thủy sản chết bất thường nhằm tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khống chế. Quan trắc kết hợp giám sát dịch bệnh thực hiện ở vùng nuôi từng xuất hiện dịch bệnh trong 1 – 2 năm trở lại.
Tuy nhiên cũng theo ông Tuấn, mặc dù xác định đúng mục tiêu, thế nhưng, hiệu quả quan trắc đối với việc phòng ngừa dịch bệnh những năm qua chưa thực sự hiệu quả. Thấy rõ là nuôi tôm nước lợ và cá tra ở ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh, lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, chất lượng sản phẩm thủy sản không đáp ứng yêu cầu thị trường, gây tổn thất kinh tế, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân.
Đi tìm nguyên nhân
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu số liệu của mạng lưới quan trắc và trực tiếp điều tra 30 hộ dân cùng 5 doanh nghiệp nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng, 30 hộ dân cùng 10 doanh nghiệp nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp, thấy nguyên nhân chính là thiếu sự liên kết”.
Lý giải về điều này, ông Tuấn cho hay, cơ chế quản lý nhiệm vụ quan trắc hiện nay theo dạng nhiệm vụ khoa học, giao cho các viện nghiên cứu và trung tâm nên không thể tiến hành hoạt động đầy đủ các tháng trong năm, đặc biệt là đầu năm. Vào đầu năm, việc tiến hành quan trắc đột xuất khi môi trường có diễn biến bất thường là bất khả thi.
Về kỹ thuật, các thông số quan trắc và giám sát dịch bệnh còn dàn trải. Hiện có tới 17 – 18 yếu tố môi trường được quan trắc, có những yếu tố rất nhỏ trong thực tế, chưa cần thiết đưa vào danh mục thông số quan trắc. Tần suất quan trắc 2 tuần/lần đối với một số yếu tố như độ mặn, độ kiềm, pH là chưa hợp lý, cần tăng tần suất để hỗ trợ NTTS kịp thời hơn.
Kết quả quan trắc gửi cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương và hộ nuôi, doanh nghiệp dựa trên email, công văn và qua nhiều đầu mối nên kết quả quan trắc không có tính khuyến cáo hay cảnh báo kịp thời. Kết quả quan trắc ở các địa phương lại chưa được chia sẻ cho Tổng cục, trong khi hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh chưa được xây dựng cũng làm giảm hiệu quả quan trắc.
Do vậy, để phát huy kết quả quan trắc môi trường, theo ông Tuấn, cần “đánh thức” số liệu quan trắc, làm cho nó “sống động” để giám sát dịch bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất và sản lượng thủy sản nuôi trồng. Về giải pháp quản lý, cần xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị quan trắc; giữa các đơn vị của Bộ NN&PTNT với địa phương và doanh nghiệp. Về giải pháp kỹ thuật, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tần suất quan trắc phù hợp cho từng đối tượng nuôi. Cần phân tích đầy đủ hơn tương quan giữa các thông số môi trường, vi sinh vật gây bệnh với việc phát sinh bệnh, dịch bệnh để có khuyến cáo kịp thời, hiệu quả. Cuối cùng và rất quan trọng là xây dựng hệ thống truyền tải thông tin một cách nhanh nhất qua mạng xã hội hoặc tin nhắn SMS, để thông tin tới hộ nuôi và doanh nghiệp được thường xuyên cập nhật.
>> Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: Hiện, vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, người dân trong quan trắc, giám sát môi trường và dịch bệnh; thiếu việc chia sẻ số liệu, thông tin môi trường, dịch bệnh. Các số liệu, thông tin thu thập chưa được tổng hợp, phân tích toàn diện để đưa ra các quyết định quản lý và áp dụng các kỹ thuật nuôi thích hợp. |