Đào ao nuôi tôm, lợi bất cập hại

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa lại bùng phát ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đe dọa 8,3 km tuyến đê bao ngọt hóa ven sông Tiền và 13 cống dưới đê có tổng trị giá 169 tỷ đồng vừa mới khởi công, khiến ngành chức năng Bến Tre lúng túng xử lý.

Bán đất vì hàng xóm nuôi tôm

Ông Bùi Văn Sáu, ấp 5, xã Lộc Thuận (Bình Đại) chia sẻ: “Cách đây 1 năm tôi đã phải bán gần 5.000 m2 vườn dừa vì bị các hộ liền kề đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng bao vây, nước mặn ao tôm rò rỉ qua vườn dừa làm giảm năng suất đáng kể. Không dám bón phân, phun thuốc cho dừa vì sợ làm ảnh hưởng tới tôm nuôi của hàng xóm. Thấy điều kiện SX bị hạn chế, tôi quyết định bán đất cho hộ bên cạnh để họ đào ao nuôi tôm”.

Bà Lê Thị Phụng, ấp Long Hòa 1, xã Long Định rất bức xúc việc các hộ dân liền kề đào ao nuôi tôm nước lợ. Bà Phụng nói: Tôi không phải ganh tị người ta nuôi tôm làm giàu mà rất bức xúc việc nước mặn từ ao tôm rò rỉ sang mương vườn bị nhiễm mặn làm ảnh hưởng rất nặng đến trồng trọt của gia đình cũng như các hộ lân cận. Chuối, dừa đều teo tóp và ít trái hơn so với trước do nước mặn ao tôm xâm nhập.

Vườn dừa bị đốn để nuôi tôm

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Lai, sở dĩ nông dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng là do chạy theo lợi nhuận trước mắt. Bình quân 1 ha nuôi tôm thẻ thu lãi trên 100 triệu đồng, còn trồng dừa, lúa năng suất thấp, giá cả bấp bênh ít có lời.

“Việc chạy theo con tôm là do hệ thống đê bao ngọt hóa chưa hoàn thiện. Mùa khô hằng năm nước mặn vẫn xâm nhập sâu vào nội đồng nên bà con lấy lý do này mà tự phát đào ao nuôi tôm. Thực tế trong mùa khô vừa qua, độ mặn 7‰ gần như xâm nhập toàn bộ khu vực quy hoạch ngọt hóa của huyện nên bà con vin cớ này tự phát chuyển đổi”, ông Đạt phân tích.

Lúng túng

Để có nước đủ độ mặn nuôi tôm thẻ chân trắng thì các hộ phải khoan giếng tầng sâu. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT Bình Đại, toàn khu vực ngọt hóa có hơn 800 giếng nước mặn khoan trái phép. Việc này không chỉ làm cho nước mặn vào đồng ruộng mà còn tiềm ẩn nguy cơ sụt lún nếu không được can thiệp kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Nhạn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận nói: “Việc đào ao, khoan giếng để nuôi tôm có lợi trước mắt nhưng sẽ hại lâu dài. Nước lợ ngày càng lấn sâu vào vùng ngọt do đào ao, khoan giếng nhưng vẫn chưa có giải pháp nào xử lý”.

“Việc thi công hệ thống đê bao ven sông Tiền phải được đẩy nhanh tiến độ để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ SX. Còn hiện tại, cứ vào mùa khô thì độ mặn 15‰ bao phủ gần như toàn bộ diện tích đất SX. Chúng tôi rất quyết liệt vận động bà con không đào ao nuôi tôm nước lợ thì họ lấy lý do cây ca cao, lúa gần như không sống nổi vào mùa nắng, dừa thì cũng rụng trái, teo tóp; nếu không cho chuyển đổi thì không thể phát triển SX”, ông Nhạn giãi bày. 

Một cán bộ xã Lộc Thuận chia sẻ: “Khi người dân đốn dừa đào ao hoặc chuyển từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thì chúng tôi xử lý các lỗi sử dụng đất sai mục đích, chuyển đổi đất trồng lúa, trồng dừa sang nuôi thủy sản. Khi đoàn đến kiểm tra vừa nhắc tới các lỗi trên thì họ yêu cầu được đóng phạt”.

Còn lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Bình Đại (Bến Tre) cho rằng việc xử lý, ngăn chặn đào ao có thể tập trung xử lý các máy Kobe (ủi đất) như chủ máy không có giấy phép kinh doanh, không bằng lái nhưng với mức phạt chỉ từ 400.000 – 700.000 đồng, không đủ sức răn đe…

>> Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại:

Đến thời điểm này người dân đã đào hơn 700 ha đất vườn dừa, ruộng lúa… và khoan hơn 800 giếng nước mặn để nuôi tôm. Huyện đã lên kế hoạch và kiên quyết xử lý; trước mắt tập trung kiểm tra, kiểm soát để không phát sinh trường hợp đào, khoan giếng mới. 

Để dân nuôi xong vụ tôm sẽ tiến hành lấp các giếng nước mặn. Đối với ao tôm thì vận động ngưng thả và chuyển sang nuôi cá lóc…

Thanh Phong

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!