Trời hửng nắng, gần 8 giờ sáng của một ngày trung tuần tháng giêng Nhâm Thìn chúng tôi lên thuyền rời bến. Cửa biển sau đợt gió mùa đông bắc vẩn gầm gào từng đợt sóng nối tiếp nhau tung bọt trắng xoá. Sau khi bảo tôi mặc thêm áo ấm, lựa thế ngồi chắc chắn ở giữa thuyền, anh Võ Văn Trung, một ngư dân có thâm niên 25 năm làm nghề đi biển hỏi anh Sáu, bạn nghề chung thuyền:
– Chuẩn bị xong hết chưa?
– Rồi.
Anh Sáu đáp gọn lỏn rồi nghiêng người quay máy. Trung đánh lái, kéo mạnh sợi dây cước điều chỉnh ga. Chiếc thuyền nhỏ lắp máy 12 CV tuôn khói khét lẹt, rướn mình vượt qua những con sóng bạc đầu rời cửa biển Cửa Tùng.
Dù chuẩn bị tâm thế cho chuyến đi đồng thời cũng đã đôi ba lần đi biển nhưng cảm giác nôn nao, chao đảo say sóng bắt đầu chi phối tôi. Lẫn trong tiếng sóng, tiếng động cơ gầm gào, anh Trung nói như thanh minh:
– Sóng gió kiểu này là bình thường thôi, ra xa thêm chút nữa sóng sẽ êm hơn.
Thuyền ra cách cửa biển Cửa Tùng chừng 300 mét, tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu đôi chút. Trước chuyến đi biển lần này, tôi đã có đôi lần đến nhà anh. Đó là một căn nhà khá tươm tất nằm sát đường quốc phòng Cửa Tùng – Cửa Việt. Anh Trung có 1 vợ, 3 con và từ ngày biết theo cha vượt sóng ra khơi đến nay, trong số những ngư dân ở làng biển Bắc Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) anh luôn là người "có duyên" với nghề nên ít có chuyến đi biển nào anh Trung chịu về bến mà lỗ tiền dầu, tiền công.
Chiếc thuyền của ngư dân Võ Văn Trung chuẩn bị rời bến. |
Chị Phượng, vợ anh quanh năm bám bến cá mua đi bán lại, thỉnh thoảng lại ‘"đánh quả’’ vài chuyến bằng xe máy đưa ruốc, nước mắm, cá khô lên với bà con ở các xã miền Tây Gio Linh, mớ bán, mớ quy đổi các mặt hàng nông sản để kiếm thêm thu nhập. Là chổ thân tình nhưng cũng phải hẹn hò, lần lữa mãi, tôi mới được anh Trung đồng ý cho theo chuyến đi biển này bởi theo anh nghề biển tiềm ẩn nhiều bất trắc và chiếc thuyền nhỏ mà anh cùng bạn nghề đang sở hữu sẽ trở nên chật chội hơn khi có thêm người thứ 3.
Chiếc thuyền nhằm ngư trường gần đảo Cồn Cỏ thẳng tiến. Thấy tôi ngạc nhiên khi anh Sáu rút điện thoại gọi hỏi thăm bạn nghề đang đánh bắt ở đó có nhiều cá không. Anh Sáu cười:
– Thời gian gần đây đi đánh bắt gần bờ ngư dân điện thoại vô tư, có thông tin thì chia sẻ cho nhau, hôm nay nhiều thuyền thả lưới nhưng xem ra đánh bắt không được nhiều.
Anh Trung cằn nhằn điều gì đó rồi đột ngột giảm ga, chiếc thuyền đang lướt nhanh bỗng từ từ dừng lại. Anh Sáu mở nút buộc túi đựng lưới còn anh Trung thì thả dây buộc mái chèo. Đầu tay lưới vừa được anh Sáu thả xuống nước thì anh Trung bắt đầu lắc nhẹ mái chèo, chiếc thuyền nhích chậm về phía trước và lưới cứ thế tuôn đều đặn xuống mặt biển xanh thẳm.
Anh Trung cho biết, đây là loại lưới chuyên dùng để đánh bắt cá ở những vùng nước gần bờ. Tùy theo từng vụ đánh bắt để sử dụng loại lưới khác nhau mà cụ thể là từ tháng 2 đến tháng 7 thì đánh bắt bằng lưới mực, lưới cá cháo, cá hố, sau đó là đi lưới cá duội, cá trích, cá chim.
Khi mặt trời bắt đầu toả những tia nắng ấm áp khắp mặt biển cũng là lúc 8 tay lưới có độ dài gần 2.000 mét đã được rãi xong. Anh Trung thả neo. Anh Sáu lật ván sàn thuyền lấy ra chiếc bếp ga mini rỉ sét châm lửa chuẩn bị bữa cơm trưa. Chỉ trong chốc lát cơm đã được nấu chín, mớ cá ngát, măng chua mà chị Phượng chuẩn bị trước khi thuyền rời bến được chế biến thành món ăn thơm lừng.
– Cứ ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái, còn lâu mới kéo lưới…
Anh Trung nói với tôi sau khi bày biện thức ăn lên sàn thuyền chật chội. Trong không gian bao la của biển khơi cùng nhịp chao lắc của sóng biển dưới thân thuyền, tôi được nghe nhiều câu chuyện vui buồn của nghề biển. Câu chuyện của anh Trung, anh Sáu xoay quanh nghiệp biển từ khi đi bạn cho tàu đánh bắt xa bờ, trung bờ làm nghề đánh bắt bằng lưới vây, lưới rút, rập ghẹ, lặn tôm hùm, khai thác cá mú giống. Rồi những lần vào đánh bắt tận các ngư trường các tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang.
Thả lưới. |
Câu chuyện chợt chùng xuống khi anh Trung nhẩm tính rồi nói với tôi rằng chỉ riêng làng biển Bắc Sơn cách đây 5 – 6 năm không năm nào là không có ngư dân tử nạn trên biển. Nhiều khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau mấy đợt sóng dữ. Đó là những lần ngư dân đang ở trên biển thì nghe tin bão hoặc gió mùa.
Thuyền nhỏ nên ngư dân phải chạy hết tốc lực mới vào gần đến cửa biển Cửa Tùng. Những tưỡng vào đến gần đất liền là nguy hiểm đã qua nhưng những con sóng lớn ở cửa biển mới thực sự là hiểm họa chính của ngư dân. Những lần ấy, người làng không ai bảo ai, tất cả cùng ra đứng ken đặc ở hai bờ, tiếng cầu khấn, tiếng khóc than bắt đầu nổi lên rộn cả cửa sông.
Cũng có lúc tất cả cùng vỡ oà trong niềm vui mừng khi thuyền vượt qua được sóng lớn vào đến bờ an toàn nhưng cũng không ít lần người làng đau đớn, bàng hoàng chứng kiến phút giây sóng dữ trùm lên, nuốt chửng chiếc thuyền cùng mấy ngư dân người làng.
Riêng anh Trung, anh Sáu cũng đã đôi lần phải đối mặt với hiểm nguy nhưng các anh nói đùa rằng số mình còn may mắn, chưa được thuỷ thần ‘’chấm sổ’’. Sau những lần như thế đã định bỏ nghề nhưng miếng cơm manh áo đã kéo các anh trở lại với biển khơi dẫu vẫn biết bất trắc, hiểm nguy đang chờ đợi.
Còn nhớ, trong lần về tìm hiểu nghề biển của ngư dân xã Trung Giang, tôi được biết hiện nay toàn xã có 198 tàu thuyền với tổng công suất 2.407CV, trong đó chỉ có 3 tàu đánh bắt trung bờ. Năm 2011 ngư dân địa phương khai thác đạt sản lượng 825 tấn thủy sản.
Đây là năm mà xã Trung Giang chưa hoàn thành được chỉ tiêu về sản lượng đánh bắt do nhiều nguyên nhân như thời tiết không thuận lợi, giá nguyên liệu đầu vào thiết yếu như dầu diesel, ngư lưới cụ tăng chóng mặt nên ngư dân đã chọn giải pháp để tàu, thuyền nằm bờ hoặc tìm nghề khác, số còn lại cũng chọn giải pháp chuyển đổi hình thức sang đánh bắt ven bờ. Điều đáng trăn trở hiện nay ở Trung Giang là đã có không ít ngư dân bỏ biển tìm kiếm nghề khác, hoặc vào các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Thuận, Kiên Giang đi “bạn” với các tàu xa bờ để mưu sinh.
Khi trao đổi với tôi xung quanh những vấn đề trên, ông Dương Song Dinh, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang cho biết, rất nhiều ngư dân ở xã Trung Giang mong muốn có tàu đánh bắt trung bờ, xa bờ để đánh bắt nhưng mức đầu tư để đóng mới phương tiện còn quá cao, vượt quá khả năng của ngư dân trong khi đó đóng mới tàu thuyền nhỏ có công suất từ 6 – 8 CV lại không được các ngành chức năng khuyến khích do khai thác quá gần bờ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản.
Với 573 lao động biển trên tổng số 2.200 lao động trong độ tuổi của địa phương, trong định hướng phát triển kinh tế năm 2012 và những năm tiếp theo, xã sẽ tiếp tục cùng với các cấp, các ngành khuyến khích, đề xuất các nguồn lực hỗ trợ ngư dân bám biển, đầu tư đóng mới, nâng công suất tàu, thuyền để mở rộng ngư trường đánh bắt. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã đã có kế hoạch từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ, hậu cần có liên quan nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mình.
Đến giữa trưa, ánh nắng dịu nhẹ khiến biển ấm áp và mở rộng bao la trước tầm mắt. Đã đến giờ kéo lưới, anh Trung, anh Sáu vội rít nhanh điếu thuốc rồi bắt đầu "tác nghiệp". Lẫn trong nhịp tay kéo trĩu nặng nhưng đều đặn của các anh đã nghe tiếng quẫy mạnh cùng sắc màu óng ánh của những con cá dính lưới được kéo lên khỏi mặt biển. Mẻ lưới đầu tiên đã hoàn tất. Anh Sáu khởi động máy còn anh Trung điều khiển thuyền chạy ra thêm khoảng 2 hải lý rồi tiếp tục thả lưới đợt 2 của chuyến đánh bắt.
Sau 2 đợt thả rồi kéo lưới với khoảng 7 – 8 kg cá cháo, chim, hố… đánh bắt được thì điện thoại reo, anh Trung bắt máy. Sau cuộc đàm thoại ngắn, anh Trung quay sang nói với tôi là chị Phượng từ nhà điện thoại ra hỏi thăm tình hình đánh bắt của mấy anh em. Anh Trung không giải bày nhưng tôi hiểu, chuyến biển nào cũng thế, người đi biển lo một thì người ở nhà nổi lo lại nhân đôi. Lo sóng to, gió lớn, lo biển phụ sức người…Trong tôi chợt loáng thoáng hình ảnh mãnh dẽ, tất bật cùng ánh mắt trĩu nặng của chị Phượng khi thuyền rời bến ra khơi.
Hoàng hôn đã bắt đầu bao trùm lên mặt biển. Chiếc thuyền nhằm hướng cửa biển Cửa Tùng thẳng tiến. Ở đó, có làng biển tuy còn nhiều gian khó nhưng yên bình với người thân của các anh đang ngóng trông và hy vọng. Phía đuôi thuyền, cánh tay gân guốc, rắn chắc của anh Trung đang nắm chặt cần lái, gương mặt của anh sau một ngày lao động vất vả vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, can trường. Mặc dù kết quả của chuyến đi biển hôm nay có thể không như mong muốn nhưng tôi tin rằng ngày mai các anh sẽ lại tiếp tục vượt sóng ra khơi để bám ngư trường, bám biển.
Huy Nam
Theo Báo Quảng Ngãi