Thời gian qua, trên vùng biển gần bờ do Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An quản lý xuất hiện nhiều phương tiện lén lút đánh bắt thủy, hải sản theo hình thức “tận diệt”, khiến cho nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã tổ chức nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương có những biện pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng này.
Cán bộ Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận kiểm tra các phương tiện vi phạm bị tạm giữ – Ảnh: Viết Lam
Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận được giao nhiệm vụ quản lý 19,5 km bờ biển và địa bàn 9 xã ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu với tổng số dân cư gần 79 nghìn người. Đời sống nhân dân trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào ngư nghiệp, diêm nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Hiện tại, các địa phương do đơn vị quản lý có 924 tàu cá công suất trên 90 CV với 6.411 lao động thường xuyên vươn khơi bám biển. Nhìn chung, ngư dân luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định khi đánh bắt hải sản, đồng thời góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Cùng với đội tàu cá xa bờ hùng hậu, các xã do Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận quản lý và những địa phương lân cận thuộc huyện Quỳnh Lưu còn tồn tại khá nhiều phương tiện khai thác trong vùng lộng. Phổ biến như bè mảng, thuyền lắp máy có công suất nhỏ với 1-2 lao động cùng các loại ngư cụ như lưới, câu… Từ trước đến nay, đánh bắt trong vùng lộng cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho một bộ phận không nhỏ lao động tại địa phương.
Thế nhưng, thời gian gần đây, vì lợi nhuận trước mắt, việc khai thác hải sản trên vùng biển gần bờ do Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận quản lý đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Đó là việc chủ các phương tiện sử dụng các loại ngư cụ trái quy định của pháp luật như giã cào, loại lưới dày, kích điện để đánh bắt hải sản. Điều này cũng gây bức xúc cho những ngư dân tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản.
“Họ sử dụng tàu giã cào ở vùng biển gần bờ, kích điện thì không một loại thủy sinh nào có thể sống được, nên các loại thủy, hải sản đang ngày một cạn kiệt, sinh kế của người dân địa phương đang rất khó khăn. Mong các cấp, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt để bảo vệ môi trường, tài nguyên biển” – Anh Nguyễn Văn Long, ngư dân tại xã Quỳnh Nghĩa bức xúc kiến nghị.
Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng. Trong đó, chú trọng giải thích để ngư dân hiểu những tác hại lâu dài đối với sinh kế của họ khi sử dụng các hình thức khai thác hải sản “tận diệt” và mức xử phạt của pháp luật đối với người vi phạm. Thế nhưng, vì lợi nhuận trước mắt, vẫn còn một bộ phận không nhỏ ngư dân cố tình vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã tổ chức lực lượng đấu tranh, ngăn chặn xử lý để răn đe. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã bắt 24 vụ/24 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 166 triệu đồng.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp khác nhau trong việc ngăn chặn các phương tiện khai thác hải sản trái pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp phải không ít khó khăn. Nếu sử dụng ca nô chuyên dụng thì những ngư dân vi phạm trên biển nhanh chóng tẩu tán tang vật. Phần lớn những vụ bắt giữ, lực lượng thực hiện nhiệm vụ phải bám tàu cá của ngư dân địa phương mật phục cả thời gian dài. Bắt đã khó, xử lý cũng khó vì mức xử phạt hành chính theo quy định rất cao mà phần lớn đối tượng lại là ngư dân nghèo, xử phạt nhẹ thì không có tính răn đe”.
Cùng với việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp quản lý, kiểm soát các tàu, thuyền hoạt động trên biển trái quy định của pháp luật. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo chính quyền địa phương, chủ các loại phương tiện vi phạm. Qua đó, đã thống nhất được một số phương án như hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, đồng thời, các lực lượng chức năng sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản, giữ sinh kế lâu dài cho nhân dân địa phương.
Viết Lam
Theo Báo Biên Phòng