ĐBSCL: Bất cập xử lý nuôi tôm “nước ngọt”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tình trạng xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL đang ngày càng nghiêm trọng khi mỗi năm nước mặn lại tiến sâu hơn và đến sớm hơn, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp. Để bảo vệ được vùng nước ngọt, các tỉnh ĐBSCL đã phải rất vất vả, thế nhưng, ngay tại vùng ngọt hóa, người dân lại tăng mặn cho nguồn nước để nuôi tôm, bất chấp khuyến cáo hậu quả.

Tích cực ngăn chặn

ĐBSCL đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô 2021 – 2022, dự báo xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm, vào sâu nội địa do nước thượng nguồn giảm (đỉnh điểm dự kiến là tháng 3 và tháng 4 tới). Để chủ động ứng phó với hạn mặn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 – 2022.

Theo đó, nếu tình hình nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô năm nay tương đương mùa khô năm 2019 – 2020, Bạc Liêu dự kiến có 3.400 ha lúa đông xuân có nguy cơ thiếu nước ngọt. Chất lượng nguồn nước ngọt dự báo có nhiều khả năng bị nhiễm phèn, chi phí sản xuất vụ đông xuân sẽ tăng nếu diễn biến nguồn nước và thời tiết bất lợi do sử dụng nhiều nhiên liệu bơm tát để tưới chống hạn; lĩnh vực NTTS cũng sẽ gặp khó về nguồn nước ngọt bổ sung độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao hơn 25‰, vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm của mùa khô.

Do vậy, tỉnh Bạc Liêu dự kiến sẽ chi hơn 18,6 tỷ đồng cho giải pháp công trình để đắp 89 đập vụ lúa – tôm, 448 đập vụ đông xuân, hỗ trợ bơm tát nước, khoan bổ sung và kéo dài đường ống nước sạch… nhằm ứng phó với hạn mặn.

Cùng đó, để phục vụ sản xuất lúa luân canh trên đất tôm – lúa khu vực chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A, sản xuất lúa đông xuân vùng ngọt ổn định; lấy nước mặn phục vụ cho NTTS vùng chuyển đổi phía Bắc và phía Nam Quốc lộ 1A, Sở NN&PTNT cũng thường xuyên thông báo lịch vận hành các cống đầu mối trên địa bàn tỉnh.

Cánh đồng nuôi TTCT vùng “ngọt hóa” tại Long An. Ảnh: K.Q

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ngay từ mùa khô 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, chủ động trong việc tích ngọt, ngăn mặn nhằm hạn chế những tác động của hạn, mặn đến đời sống sản xuất của người dân trên địa bàn.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn năm nay không gay gắt như trong các năm 2019 – 2020. Dù vậy, ngành nông nghiệp luôn bố trí lực lượng trực tại các cống để khi có điều kiện thích hợp thì mở cống tích ngọt.

Hiện độ mặn trên địa bàn cũng đã lên cao, ở mức 4‰ và đã xâm nhập sâu vào khoảng 35 – 40 km nhưng vẫn chưa ở mức độ phức tạp và theo dự báo tháng 4 này sẽ ở mức cao. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn rà soát lại các hệ thống cống để đảm đảm bảo vận hành tốt, phát huy hiệu quả cao trong ngăn mặn, trữ ngọt; tích cực nạo vét kênh tạo nguồn, kênh thủy lợi nội đồng để tăng khả năng trữ ngọt, phục vụ tốt cho sản xuất của người dân tại các địa phương.

Cùng đó, chỉ đạo và phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp và cập nhật thông tin kịp thời về diễn biến độ mặn tại các cửa sông, cống. Qua đó, giúp người dân tiếp nhận kịp thời, chủ động điều tiết sản xuất. Đồng thời, chủ động cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn.

Tăng mặn giữa vùng ngọt

Từ năm 2018, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Long An), người dân đã đưa TTCT vào nuôi trong vùng nước ngọt, từ đó kéo theo các vấn đề có liên quan mà không đúng chủ trương, quy định pháp luật. Bởi để có thể nuôi được tôm nước lợ, người dân đã không ngần ngại khoan giếng lấy nước mặn, thậm chí rải muối xuống đất… nguy cơ về lâu dài đã được cảnh báo. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh chưa mang lại hiệu quả cao và xử lý thiếu kiên quyết, diện tích đào ao mới liên tục tăng thêm.

Mặc dù tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý nuôi TTCT; tiếp tục có giải pháp xử lý từng trường hợp vi phạm về nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, nhất là các vi phạm về thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi TTCT, khoan giếng lấy nước mặn, bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý và lấp ao trả lại hiện trạng đất trồng lúa đối với các trường hợp đào ao mới, đào ao sau khi đã bị xử lý, cam kết không nuôi TTCT. Cùng đó, rà soát lại hồ sơ cấp điện đã cấp cho các hộ dân nuôi TTCT tại các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười, tuyệt đối không cấp điện cho các hộ nuôi; kiểm tra, xử lý hộ dân sử dụng điện không đúng mục đích xin phép ban đầu. Ngoài ra, đối với những địa phương đã thả nuôi TTCT trong vùng nước ngọt, yêu cầu người nuôi thực hiện nghiêm các quy định về quản lý dịch bệnh, cam kết bảo vệ môi trường, vận động không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới… Thế nhưng đến nay, diện tích nuôi TTCT tại đây không những giảm mà ngày càng tăng và thêm nhiều hộ tham gia.

 Ngày 4/3 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã thực hiện kiểm tra và xử lý hàng chục trường hợp vi phạm. Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính 14 trường hợp, diện tích vi phạm hơn 10 ha, với số tiền trên 144 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục xem xét để xử lý 62 trường hợp khác với diện tích vi phạm trên 82 ha. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn tiến hành kiểm tra và xử lý 52 trường hợp đã khoan 93 giếng trái phép để phục vụ cho hoạt động nuôi TTCT và yêu cầu lấp số giếng khoan tự phát này.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo các địa phương không để phát sinh diện tích đào ao mới để nuôi tôm. Đối với những ao đã nuôi, ngành chức năng theo dõi chặt chẽ yếu tố tác động đến môi trường để khắc phục và hỗ trợ người dân chuyển đổi đối tượng nuôi trồng.

Một vấn đề khá khó nghĩ là tại sao quy định pháp luật đã có, chỉ đạo từ cơ quan Trung ương đã có, thế nhưng đến nay việc xử phạt nuôi tôm trái phép tại đây vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Tình hình không những được cải thiện mà diện tích nuôi đang ngày càng phình to ra. Chẳng lẽ chế tài của nhà quản lý ở đây lại “chịu thua” người dân?

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!