Mặc dù đóng góp 60% vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng khu vực ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo các kịch bản BĐKH, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình năm tại Việt Nam có thể tăng khoảng 2 – 30C, mực nước biển có thể dâng 1 m. Khi đó, dự kiến khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập. TP Hồ Chí Minh cũng bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10 – 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP. Sự can thiệp vào dòng chảy trên sông Mê Kông cũng đang khiến những tác động của BĐKH lên ĐBSCL trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là các đập thủy điện ở Lào (Dong Sahong, Xayaburi).
Chế biến tôm ở Cà Mau – Ảnh: Huỳnh Lâm
Đến nay, 13 địa phương khu vực ĐBSCL đã hoàn thành việc đánh giá tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, khu vực, đề xuất các giải pháp ứng phó… Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về BĐKH, trong đó 17 dự án thuộc các tỉnh ĐBSCL (bao gồm trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển…). Chương trình củng cố và nâng cấp hệ thống đê biển vùng ĐBSCL dự kiến cần trên 30.500 tỷ đồng; trong đó, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn và huy động các nguồn lực cho khu vực này tới 1.573,7 tỷ đồng.