(TSVN) – Ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản của vùng ĐBSCL, có nhiều tiềm năng để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối diện với không ít những rào cản cho sự phát triển, nhất là vấn đề môi trường, khoa học công nghệ để thúc đẩy chuỗi giá trị ngành hàng cũng như các sản phẩm có tiềm năng lợi thế.
Thông tin tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng ĐBSCL” do Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 29/9 cho thấy; ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng NTTS, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam. Nơi đây có vị trí quan trọng, chiến lược trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông; có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Những thuận lợi này nhờ có điều kiện khí hậu nhiệt đới, đất đai bằng phẳng và tương đối màu mỡ, mạng lưới đường thủy dày đặc, nguồn nước ngọt dồi dào ở vùng thượng và trung tâm đồng bằng, vùng mặn ven biển và vị trí gần TP Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa
Tại Tọa đàm: “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết, vùng ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như: gia tăng xâm nhập mặn vào sâu, ngập lụt, khai thác nước quá mức… đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Do đó, 4 nhóm các vấn đề chính cần đặc biệt quan tâm liên quan đến bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới ở vùng ĐBSCL, gồm: Thay đổi dòng chảy lũ thượng lưu, gây khô hạn, xâm nhập mặn, và ngập vùng ven biển do nước biển dâng; Xói lở, sụt lún bờ sông và bờ biển; Bảo vệ hệ sinh thái trên cạn và dưới nước do khai thác quá mức, cháy rừng và ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, thoái hóa – ô nhiễm môi trường đất và quản lý chất thải.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới cần thực hiện 6 định hướng cơ bản sau.
Thứ nhất, hình thành các dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ lớn mang tính liên ngành, liên vùng để nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lớn, bức thiết, có tính hệ thống của khu vực.
Thứ hai, xây dựng, lắp đặt hệ thống đo đạc, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn…; để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Cùng đó, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (gồm thủy sản – cây ăn quả – lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ bảo đảm nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động cho các vùng khan hiếm nước ven biển ĐBSCL (như: xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh và khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng với quy mô khác nhau; hệ thống khử nước mặn sử dụng năng lượng tái tạo…).
Thứ tư, sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn các kết quả thành công của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Chương trình cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ có tính tổng thể (trong đó chú trọng bảo đảm an toàn hạ tầng thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn kéo dài);
Thứ năm, đề nghị TP Cần Thơ nghiên cứu việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận, nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng ĐBSCL, trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ sáu, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần chú trọng đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng (như Trường ĐH Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Phân hiệu của ĐHQG – Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre, các Viện nghiên cứu tại ĐBSCL…) để phát huy hiệu quả thế mạnh nghiên cứu, cùng đồng hành với các doanh nghiệp – được xem là trung tâm của các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Liên kết này dưới sự hỗ trợ của nhà nước qua những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp sẽ tạo ra năng lượng cộng hưởng lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
NTTS, trong đó có nuôi tôm là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL. Trên cơ sở phân tích rõ về ngành nuôi tôm nước lợ, thực trạng của ngành này tại vùng ĐBCSL thời gian qua, ông Trình Trung Phi, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc, Phó Chủ tịch Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững ngành nuôi tôm thì cần coi trọng công tác chọn nguồn giống tôm bố mẹ thẻ và tôm sú của Việt Nam. Cụ thể, các chương trình chọn giống là các chương trình mang tính chất dài hạn và nên để các doanh nghiệp lớn tham gia trong chuỗi này triển khai đầu tư và thực hiện. Các cơ quan quản lý Nhà nước nên có sự phối hợp chặc chẽ để kiểm tra, giám sát đảm bảo tính minh bạch của chương trình cũng như các sản phẩm chọn giống được tạo ra đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường. Các Viện, Trường chuyên ngành nên đẩy mạnh các ứng dụng nghiên cứu di truyền phân tử vào các đối tượng TTCT, tôm sú để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp về các tính trạng mới phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng của Việt Nam.
Ngoài ra, cần phải chú trọng đến các giải pháp về công nghệ sản xuất giống – chất lượng tôm giống; thức ăn và nguồn nguyên liệu đầu vào, công nghệ… Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp kịp thời đối với ngành hàng nuôi tôm nước lợ. Các hạ tầng về đê điều chống triều cường, nước biển dâng cũng như hệ thống kênh cấp và thoát riêng biệt cho nhu cầu thủy sản ven biển cũng được nghiên cứu, quy hoạch và triển khai đồng bộ.
>> Dự kiến ngày 4/11/2021, VUSTA cùng Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Trung tâm GreenID sẽ tổ chức Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững ĐBSCL theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh. Diễn đàn dự kiến gồm 2 nội dung chính: Tổng quan chiến lược, đề án quy hoạch và chính sách nhằm phát triển bền vững ĐBSCL. Công bố, giới thiệu các sáng kiến, đề xuất năng lượng thích ứng biến đổi khí hậu được lựa chọn. |