(TSVN) – Khu vực ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong điều kiện hệ thống logistics còn yếu kém đã đặt ra nhiều nhu cầu bức thiết về liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Một nghiên của của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ vừa công bố cuối tháng 10/2020 cho hay, rủi ro về khí hậu và hạn mặn làm 65% doanh nghiệp giảm doanh thu, trong đó 9% giảm doanh thu rất nhiều. Chi phí sản xuất tăng ở 72% doanh nghiệp, các vấn đề nguyên liệu đầu vào khiến 50% bị tác động tiêu cực.
Những tổn thương do hạn mặn gây ra cho doanh nghiệp, hàng đầu là mất mùa vụ, giảm chất lượng nguyên liệu ảnh hưởng tới 53,1% doanh nghiệp; tiếp theo là giá hàng hóa nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng tới 46,9%. Ba là tổn thương ảnh hưởng tới gần 40% doanh nghiệp là gián đoạn sản xuất do mưa, thiên tai…; giảm doanh số bán hàng; gián đoạn hoạt động vận chuyển.
Trong xây dựng chiến lược thích ứng, các doanh nghiệp xác định ưu tiên giải pháp: Tăng khả năng thích ứng với hạn mặn của cơ sở vật chất và các hoạt động khác; làm việc với chuỗi cung ứng để củng cố khả năng thích nghi; phát triển các dịch vụ và hàng hóa mới để tận dụng thị trường thích ứng. Các doanh nghiệp cũng tự nhận thấy còn thiếu tổ chức gắn kết trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh liên kết ứng dụng các phương thức sản xuất tân tiến, nhằm giảm rủi ro và nâng cao giá trị. Ảnh: Trần Út
Nhóm nghiên cứu cho hay, qua nghiên cứu thấy được rõ hơn tác động của hạn mặn đến doanh nghiệp chủ yếu là vùng nguyên liệu. Từ đó, đề xuất chính sách cũng tập trung vào lĩnh vực này, cần huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác xây dựng chính sách, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu, hạ tầng. Cần có các biện pháp kích thích sự tham gia của doanh nghiệp gắn với quyền lợi và trách nhiệm (ưu đãi thuế, tiếp cận các gói tín dụng…). Tăng cường sự gắn kết, hợp tác đa phương giữa cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức khác. Xây dựng kênh thông tin và truyền thông về tác động biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp và cộng đồng địa phương thường xuyên, liên tục nhanh chóng, hiệu quả
Các doanh nghiệp cần có chiến lược và hành động thích ứng để phát triển bền vững là điều kiện và nhu cầu cấp thiết nâng cao năng lực, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chủ động xây dựng chiến lược và hành động có sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi, phát triển sản phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo.
Một nút thắt đang trở thành đòn bẩy phát triển ĐBSCL là logistics cho nông sản, thủy sản. Trong đó phải kể đến kế hoạch xây dựng Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ, được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics của vùng nông nghiệp quốc gia. Quy mô thị trường dịch vụ logistics nông sản tại ĐBSCL sẽ rất lớn, do nhu cầu trong nước và quốc tế đối với các mặt hàng nông sản, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư.
Nhận diện các hiện tượng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp thủy sản
Khó khăn lớn là đang thiếu chiến lược kết nối mạng lưới logistics trong vùng cả về hạ tầng giao thông và dịch vụ để giúp sản xuất, kinh doanh nông sản tuần hoàn hơn; cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng cũng chưa rõ ràng. Trong hạ tầng dịch vụ logistics, thiếu trung tâm trọng điểm và vệ tinh; thiếu đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn; thiếu chuỗi logistics lạnh cho thủy sản, trái cây, khiến chất lượng bị ảnh hưởng, gây thất thoát. Hiện nay, doanh nghiệp logistics tại ĐBSCL còn nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ thấp với số lượng hạn chế (chỉ chiếm 4 – 5% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước).
Vấn đề logistics vùng ĐBSCL đang được Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo trong việc thúc đẩy phát triển. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, thống nhất cùng các địa phương, các đối tác phát triển tập trung nâng cao hiệu quả liên kết vùng. Phát triển các trung tâm logistics, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu thụ nông sản của cả vùng và cả nước như Trung tâm tại Cần Thơ và còn có Trung tâm Liên kết về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt tại An Giang, Đồng Tháp; Trung tâm Liên kết về thủy sản khu vực ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Trung tâm Liên kết về trái cây, rau màu ở Tiền Giang, Bến Tre.
Sơ đồ hợp tác các bên liên quan để thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Theo nghiên của VCCI tại Cần Thơ
Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ trao cho các địa phương ngày 21/6/2022 có mục tiêu phát triển các trung tâm kinh doanh nông nghiệp, trung tâm chế biến cũng như cải thiện hạ tầng giao thông và logistics. Một số đối tác phát triển như Chính phủ Hà Lan cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển logistics cũng như các trung tâm kinh doanh nông sản, quản lý nguồn nước.
Diễn đàn Kết nối Mê Kông (Mekong Connect) 2022 diễn ra ở Cần Thơ từ ngày 23 – 24/11/2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”. Diễn đàn hình thành từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng gồm 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp (gọi tắt là ABCD), do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu tổ chức.
Diễn đàn Mekong Connect năm nay có các nội dung chính: Nâng cao chất lượng liên kết, thúc đẩy đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế tuần hoàn; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao công nghiệp chế biến nông sản. Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, Startup khởi nghiệp 4 địa phương ABCD giới thiệu những mô hình thành công trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Lần đầu tiên, Diễn đàn Mekong Connect tổ chức thêm “Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ Xanh”, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp giao lưu, quảng bá sản phẩm mới, bán hàng và kết nối xuất khẩu.
Sáu Nghệ