ĐBSCL: Phát triển không gian liên ngành, liên vùng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với hơn 2.100 doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL phải tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng đầu năm cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch. Việt Nam đang có nguy cơ lỡ nhịp chuỗi cung ứng toàn cầu khi các thị trường lớn đang trong quá trình phục hồi kinh tế nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông tin tại Hội thảo trực tuyến: “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” do VCCI tổ chức mới đây cho thấy, ĐBSCL, một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với các thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, trái cây, lúa gạo; nhưng tác động của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến vùng ĐBSCL chịu tác động nặng nề. Hầu như các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL trong tháng 8 đạt 1,97 tỷ USD, giảm gần 50% so tháng 7/2021. 

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu hẹp quy mô sản xuất, thiếu lao động, chịu áp lực lãi suất ngân hàng. Dẫn đến các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội ngành hàng đã có nhiều đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của các Bộ, ngành thì các địa phương và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để bàn giải pháp chung, hợp lý để khôi phục sản xuất. Và giải pháp không chỉ riêng trong chuỗi ngành hàng trong tỉnh mà phải hướng tới định hướng chung cho cả vùng, thay đổi từ tư duy đơn ngành sang tư duy tích hợp đa ngành.

Cùng đó, theo vị tư lệnh ngành, sẽ xuất hiện hai xu hướng lớn. Thứ nhất, hình ảnh từng đoàn xe máy của người dân rời khỏi các khu đô thị lớn, cho thấy xu hướng “dịch chuyển” lao động và dân cư về nông thôn. Thứ hai, tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nhất là các sản phẩm tươi sống khuyến khích nhiều người quan tâm, tham gia vào nghề nông, vào lĩnh vực nông nghiệp.  Vì vậy, phải đào tạo, hỗ trợ nông dân tiếp cận tri thức, công nghệ, hiểu biết về quy luật cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững… “Khu vực ĐBSCL cần phải chuyển từ theo đuổi phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng trong không gian mở như một thực thể kinh tế hoàn chỉnh. Cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản cuối năm, nhất là dịp Noel của các nước phương Tây và Tết cổ truyền các nước châu Á vốn là thị trường lớn. Do vậy, hiện Bộ NNPTNT đang bám sát nội dung này, để cố gắng từ nay đến cuối năm đạt được kết quả cao nhất. Mặc dù, nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nhưng sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng phải đối mặt với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Theo đó, nông sản trong nước hiện nay phải đáp ứng và chịu sự biến động thị trường liên tục diễn ra, chứ không chỉ từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Bộ NN&PTNT đang đặt trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn khu vực ĐBSCL. Bởi kinh tế nông thôn tạo nhiều công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở các vùng quê. Để đeo đuổi mục tiêu này, ngoài việc lồng ghép các nội dung vào chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức, nhà tài trợ để làm sao xây dựng được một hệ thống logistics ở cấp độ nhỏ cho nông nghiệp và nông thôn. Đó là những kho bảo quản, kho lạnh, xưởng sơ chế nhỏ… để người sản xuất có thể giữ được nông sản tươi thời gian lâu hơn, hoặc tạo ra các sản phẩm tiêu dùng nội địa… Như vậy, không chỉ chia sẻ, hỗ trợ người nông dân khi xảy ra các “biến” lớn của thời đại (biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng), mà bản biến cố là cơ hội để người dân tạo giá trị gia tăng từ các hoạt động phi nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!