Cục Kiểm ngư mới được thành lập, chính thức đi vào hoạt động từ 1/3/2013, ngày 15/4/2014 thì làm lễ ra mắt. Với chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thanh tra chuyên ngành về thủy sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, hoạt động kiểm ngư lâu nay góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Tự hào truyền thống Kiểm ngư
Tiền thân của lực lượng Kiểm ngư hiện nay là Thanh tra Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản. Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trực thuộc Tổng cục Thủy sản, có chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thanh tra chuyên ngành về thủy sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Kiểm ngư là kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, hỗ trợ ngư dân, tàu cá khi gặp sự cố, tai nạn trên biển. Kiểm ngư còn tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; thường trực đường dây nóng với các nước giải quyết những vụ việc liên quan đến khai thác, đánh bắt thủy sản phát sinh trên biển… Lực lượng Kiểm ngư được tổ chức từ Trung ương đến các vùng gồm: Cục Kiểm ngư có trụ sở chính tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin Kiểm ngư và 4 Chi cục Kiểm ngư Vùng (Vùng I quản lý vùng biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế, Vùng II quản lý vùng biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, Vùng III quản lý vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Vùng IV quản lý vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang). Các Chi đội Kiểm ngư thuộc các Chi cục Kiểm ngư vùng. Ngoài ra còn có 8 Trạm kiểm ngư (Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Song Tử Tây, Đá Tây, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc) và các tàu Kiểm ngư.
Lực lượng kiểm ngư hỗ trợ ngư dân bám biển – Ảnh: CTV
Để hoàn thành và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngoài phẩm chất đạo đức, kiểm ngư viên phải có kiến thức về hàng hải. Ngoài ra, phải nắm vững các ngư trường, nguồn lợi, các nghề nghiệp, công cụ, phương pháp khai thác thủy sản, các quy định của Nhà nước về hoạt động thủy sản, các hành vi vi phạm Luật Thủy sản. Kiểm ngư viên phải am hiểu luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển khác nhau… Hiện nay, ngoài lực lượng đã có, lực lượng kiểm ngư viên chủ yếu tuyển dụng ở Trường Đại học Nha Trang, Cao đẳng Nghề Thủy sản, Trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Luật và một số anh em hải quân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Chiến lược dài hơi
Việc thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam là nhiệm vụ thiêng liêng. Để thực hiện giải pháp lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu, Kiểm ngư đang xây dựng “Đề án tổng thể phát triển lực lượng Kiểm ngư đến năm 2020 định hướng đến 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 5/2014. Đề án sẽ chú trọng đến công tác giúp ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản hiệu quả, tiết kiệm chi phí sản xuất… Dự kiến đến năm 2016, Cục Kiểm ngư sẽ thành lập Trung tâm Huấn luyện Kiểm ngư để huấn luyện, đào tạo cơ bản và chuyên sâu nghiệp vụ kiểm ngư viên. Cùng đó, sẽ kiện toàn hệ thống tổ chức Kiểm ngư.
Đề án mang tính tổng thể với việc xác định rõ định hướng, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, các giải pháp, lộ trình cụ thể nên việc triển khai thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có rất nhiều thuận lợi. Phạm vi triển khai Đề án rộng liên quan đền nhiều ngành, lĩnh vực nên đòi hỏi phải có sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương. Cùng với những khó khăn chung của đất nước trong quá trình phát triển, việc triển khai thực hiện Đề án phải bám sát vào các chủ trương, chính sách mới và phù hợp với nguồn lực chung trong từng giai đoạn. Vì vậy, đòi hỏi phải có tính linh hoạt trong việc triển khai thực hiện.
>> Theo Đề án, kiểm ngư sẽ có 5 vùng (thêm một vùng so với hiện nay). Sẽ đóng thêm tàu, chú trọng hiện đại hóa thiết bị thông tin liên lạc để thuận tiện cho việc quản lý các ngư trường, tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. |