T2, 06/07/2020 11:18

Đề án phát triển tổng thể lực lượng Kiểm ngư: Giúp ngư dân tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Đề án quan trọng này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng. Ông Hà Lê (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư trao đổi với TSVN xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết Đề án phát triển tổng thể lực lượng Kiểm ngư?

Được sự chấp thuận Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, ngày 29/11/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, thanh tra thủy sản, tìm kiếm cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền, quyên chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển. Lực lượng Kiểm ngư mới đi vào hoạt động, cơ cấu tổ chức chưa được hoàn thiện, cơ sở vật chất còn thiếu, do vậy để sớm ổn định tổ chức, nâng cao năng lực, hiện đại hóa lực lượng Kiểm ngư Việt Nam; tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển; Việc xây dựng “Đề án tổng thể phát triển lực lượng Kiểm ngư đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”  là rất cần thiết. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án và chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng và trình Đề án lên Thủ tướng Chính phủ theo đúng thời hạn để lực lượng Kiểm ngư sớm ổn định và thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao.

 

Định hướng phát triển lực lượng Kiểm ngư theo Đề án phát triển tổng thể là gì, thưa ông?

Đề án đã xác định 5 định hướng cơ bản để phát triển lực lượng Kiểm ngư như sau: Phát triển lực lượng Kiểm ngư phải bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, tổ chức, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo hoạt động; xây dựng tổ chức, bộ máy đảm bảo sự chỉ huy điều hành tập trung và thống nhất toàn lực lượng. Phát triển lực lượng Kiểm ngư không chỉ căn cứ vào các yêu cầu, điều kiện hiện tại mà còn phải đáp ứng được điều kiện thay đổi diễn ra thường xuyên, đồng thời phải tính đến khả năng phát triển của ngành thủy sản trong tương lai với khả năng thích ứng cao. Phát triển lực lượng Kiểm ngư phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các cơ quan chức năng khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên đã được quy định; nhằm giải quyết nhanh chóng các vụ việc và hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật quy định. Đầu tư phát triển lực lượng Kiểm ngư trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu quản lý và khả năng đảm bảo hoạt động (sau đầu tư). Đầu tư tập trung cho các khu vực nghề cá trọng điểm; không đầu tư dàn trải, bình quân. Đầu tư phương triện, trang thiết bị hiện đại, đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tận dụng tối đa các cơ sở vật chất, phương tiện hiện có (các cảng, khu neo đậu, khu dịch vụ hậu cần…) ở khu vực ven biển và các đảo. Phát triển lực lượng Kiểm ngư phải đảm bảo tính tương đồng về mặt quản lý cũng như tính tương quan về lực lượng với các quốc gia trong khu vực phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế.

Căn cứ vào các định hướng trên, Đề án xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các dự án ưu tiên và các giải pháp đồng bộ để triển khai các nội dung cụ thể về : Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về Kiểm ngư; Kiện toàn tổ chức bộ máy; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển đội tàu Kiểm ngư hiện đại, đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ.

 

Thưa ông, Đề án này đã được phê duyệt và triển khai chưa, thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai?

Hiện, Đề án đang được Thủ tướng xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện trong thời gian tới. Là Đề án mang tính tổng thể với việc xác định rõ định hướng, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, các giải pháp, lộ trình cụ thể nên việc triển khai thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có rất nhiều thuận lợi.

Phạm vi triển khai Đề án rộng liên quan đền nhiều ngành, lĩnh vực nên đòi hỏi phải có sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cùng với những khó khăn chung của đất nước trong quá trình phát triển, việc triển khai thực hiện Đề án phải bám sát vào các chủ trương, chính sách mới và phù hợp với nguồn lực chung trong từng giai đoạn. Vì vậy, đòi hỏi phải có tính linh hoạt trong việc triển khai thực hiện. Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các bộ, ngành và nhân dân cả nước, Đề án phát triển tổng thể lực lượng Kiểm ngư sẽ được triển khai theo đúng tiến độ và đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Dương (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!