(TSVN) – Sở hữu các vịnh nước mặn nổi tiếng như Xuân Đài, Cù Mông, thị xã Sông Cầu từ lâu được mệnh danh là “thủ phủ” nghề nuôi tôm hùm, không chỉ của tỉnh Phú Yên mà còn của cả Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, để nghề nuôi giàu tiềm năng này phát huy được thế mạnh, rất cần thêm những trợ lực mới.
Bắt đầu từ trước năm 1990, nhưng nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên còn đang ở bước sơ khai, tự phát, làm theo kinh nghiệm, sử dụng hóa chất khi tôm bệnh cũng làm tôm hùm nuôi chết hàng loạt. Môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, ngược lại còn gây ô nhiễm nặng nề. Đã đến lúc Phú Yên phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và hoàn toàn có thể thay đổi được mới đảm bảo nghề nuôi tôm hùm hiệu quả, an toàn, bền vững…
Theo các chuyên gia, việc nuôi tôm hùm phải nằm trong phạm vi quản lý Nhà nước cho phép sau khi cân đối giữa các lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường. Nuôi tôm hùm phải đảm bảo khả năng tự cần bằng sinh thái của vùng nuôi. Ví như vịnh Xuân Đài chỉ cho phép nuôi bao nhiêu diện tích lồng bè thì chính quyền cấp hạn ngạch cho nuôi bấy nhiêu, không vượt mức cho phép. Nuôi tôm hùm ứng dụng các công nghệ cao một cách đồng bộ theo nguyên tắc hữu cơ, tuần hoàn cũng là giải pháp cần hướng đến sớm hơn. Làm thế nào nuôi tôm hùm đỡ thiệt hại hơn khi có bão, lũ, đây là câu chuyện liên quan đến nhiều yếu tố. Các nhà khoa học khuyến cáo, nên làm loại lồng di động và có thể nhấn chìm sâu xuống đáy khi có bão hoặc nước lũ đổ về với ống thông hơi nhô lên. Hoặc kiểu lồng có thể nhấc lên hoàn toàn khi thu hoạch, khi cần cứu tôm hùm ngay lập tức do sốc độ pH khi nước lũ gây ra, để giữ tôm được giá nếu còn sống. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống IoT (internet kết nối vạn vật) quan trắc đo các thông số kỹ thuật trong môi trường nuôi cũng cần triển khai sớm.
Sản lượng tôm hùm thương phẩm thu hoạch năm 2021 của tỉnh Phú Yên ước khoảng 1.370 tấn; ảnh: Phước Hoài
Nhằm tháo gỡ những bất cập trong phát triển nuôi tôm hùm tại tỉnh Phú Yên, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu NTTS III đã xây dựng thành công quy trình nuôi tôm hùm trên bờ (trong hệ thống RAS), tôm sống khỏe, lớn nhanh, đem lại lợi nhuận cao dù đầu tư giảm 20%. KS Trần Thị Lưu, Chủ nhiệm Dự án cho biết, phương pháp nuôi tôm trong bể trên bờ tốc độ tăng trưởng tốt. Sau thời gian nuôi 13 tháng, tôm hùm xanh đạt cỡ trên 300 g/con, tỷ lệ sống 78%; tôm hùm bông sau thời gian nuôi 17 tháng, đạt cỡ 700 g/con tỷ lệ sống đạt 76,4%, năng suất 3,5 – 4 kg/m2 tương đương nuôi lồng bè và giảm giá thành từ 15 – 20% so nuôi truyền thống. Nuôi tôm hùm trong hệ thống RAS gần như khắc phục những khó khăn mà nghề nuôi tôm hùm lồng hiện nay đang gặp phải. Mô hình này có thể áp dụng tại các tỉnh có nguồn nước phù hợp để nuôi tôm hùm, đặc biệt các tỉnh Quãng Ngãi đến Bình Thuận. Quy mô phụ thuộc vào điều kiện tài chính, trình độ chăm sóc quản lý. Hệ thống nuôi 1.000 kg tôm cần 300 m2 diện tích bể nuôi, chi phí đầu tư nhà xưởng và các thiết bị, công nghệ cho hệ thống nuôi lớn hơn so với nuôi lồng bè nhưng không gặp phải các rủi ro như cách nuôi truyền thống.
Ngày 5/11/2020, Bộ NN&PTNT phê duyệt Ðề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Theo đó, tại tỉnh Phú Yên: Phát triển nuôi với hai hình thức: nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ; tổng diện tích nuôi là 1.000 ha, tập trung tại đầm Cù Mông (253 ha), vịnh Xuân Ðài (747 ha) với tổng số 45.000 lồng, tương ứng khoảng 405.000 m3. Tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch nuôi tôm hùm lồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, do quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 nên các quy hoạch của tỉnh không còn hiệu lực. Thời gian tới, định hướng phát triển nuôi tôm hùm sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Về định hướng phát triển tôm hùm của Phú Yên trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, Chủ tịch Hội Nghề cá Phú Yên, tỉnh đang tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch và khả năng năm 2022, khi quy hoạch tỉnh được duyệt thì những nội dung về quy hoạch nuôi trồng, kể cả nuôi tôm hùm sẽ được tích hợp vào đó. Từ đó, địa phương sẽ căn cứ sắp xếp lại lồng bè nuôi và áp dụng các mô hình vật liệu mới để thay thế các lồng nuôi thủ công để vừa giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, đẩy ra xa bờ nuôi biển hở khi mà nuôi trong đầm, vịnh cũng có ngưỡng nhất định, lại gây ô nhiễm và rủi ro nhiều. Cùng đó, tỉnh sẽ xây dựng câu lạc bộ, thành lập hiệp hội nuôi tôm hùm để xây dựng chuỗi giá trị và nếu thuận lợi sẽ tiến tới xây dựng HTX nuôi tôm hùm nhằm mục đích giúp sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…
Thu Thủy