Khai thác thủy sản vụ cá Bắc 2015 – 2016 đã kết thúc và ghi nhận nhiều kết quả khả quan; ngoài tín hiệu tích cực từ điều kiện thời tiết, ngư trường; vấn đề áp dụng khoa học công nghệ cũng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả; mang lại giá trị lớn cho ngư dân.
Nhiều kết quả khả quan
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị Tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2015 – 2016 và triển khai khai thác cá vụ Nam năm 2016 ở Cà Mau vừa qua, khai thác thủy sản đạt nhiều thành tựu từ 2 ngư trường duyên hải Nam Trung bộ và Đông Tây – Nam bộ với các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Cá đáy xuất hiện tượng đối ổn định giúp các đội tàu lưới kéo tăng năng suất; cá nổi xuất hiện thành đàn với chu kỳ dài, mật độ dày tạo điều kiện cho đội tàu lưới vây ánh sáng, vây ngày và các nghề lưới rê đạt hiệu quả cao.
Kết quả, tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2015 – 2016 đạt 1.348 nghìn tấn (tăng 3,93% so vụ cá Bắc năm 2014 – 2015); trong đó, khai thác biển 1.281 nghìn tấn; khai thác thủy sản nội địa 67 nghìn tấn… Tuy nhiên, trái ngược sản lượng tăng cao, chất lượng và giá bán sản phẩm không tăng.
Ghi nhận về việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ cho thấy, hiện có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 1.206 tàu đóng mới và 232 tàu nâng cấp; trong đó, đóng mới 541 tàu vỏ thép (45%), vỏ vật liệu mới 71 tàu (6%), vỏ gỗ 594 tàu (49%); tàu từ 400 CV đến dưới 800 CV: 302 chiếc (25%), từ 800 CV đến dưới 1.000 CV: 800 chiếc (66%), 1.000 CV trở lên: 104 chiếc (9%). Năm 2015, đã có 26/28 tỉnh, thành phố thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên; tổng số tàu trên 90 CV được bảo hiểm là 10.438 chiếc; số lao động được bảo hiểm là 101.540 người; tổng giá trị 24.960 tỷ đồng (còn lại Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện).
Hiện năng suất, sản lượng trong khai thác thủy sản chưa cao – Ảnh: Thế Duyệt
Trong năm 2015, đã xảy ra 724 vụ tai nạn tàu cá, làm chết 132 người, mất tích 157 người, bị thương 55 người. Nguyên nhân chủ yếu là do máy cũ; tàu thuyền cải hoán máy, nâng công suất nhưng trình độ của thuyền trưởng, máy trưởng không được bồi dưỡng dẫn đến tình trạng vận hành máy không đúng quy trình; công tác bảo quản, bảo dưỡng tàu và máy tàu còn hạn chế…
Khoa học công nghệ hạn chế
Phần lớn những đột phá về công nghệ trong khai thác đã được nghiên cứu, bước đầu thử nghiệm thành công, như: dự báo ngư trường dựa trên các hải dương; thiết bị dò tìm, đánh giá đàn cá; công nghệ khai thác cá ngừ đại dương, mực; hệ thống bảo quản sản phẩm bằng nước biển lạnh… Với ngư trường rộng lớn, khai thác thủy hải sản từ lâu đã trở thành ngành nghề thế mạnh của nước ta.
Tuy nhiên, do thói quen khai thác thủ công còn lạc hậu, nên năng suất, sản lượng và hiệu quả trong khai thác thủy hải sản chưa như mong muốn. Cùng đó, thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ chậm được phổ biến và ít mô hình thực tiễn để ngư dân làm theo. Ngư dân còn thận trọng do đầu tư mới phải cần vốn và thời gian để thay đổi, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ khai thác thủy sản chưa tiếp cận được đến người dân. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý với nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân còn yếu…
Dốc lực thực hiện
Tổng cục Thủy sản nhận định, năm 2016 vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam và El Nino dẫn tới nhiệt độ nước biển tăng. Đầu vụ, cá nổi ở ngoài khơi di cư vào vùng biển ven bờ để kiếm ăn và sinh sản, nên các địa phương cần theo dõi và nắm tình hình để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất có nghề phù hợp với đối tượng thủy sản xuất hiện theo dự báo nguồn lợi… Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích ngư dân khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Đồng thời, tổng kết duy trì và nhân rộng các mô hình tổ đội ngư dân sản xuất trên biển, chuỗi khai thác thủy sản…
Với lĩnh vực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác, thời gian tới, cần tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng cơ chế gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, chủ tàu, ngân hàng để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao; tạo liên kết chuỗi trong khai thác làm động lực cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Tổng cục Thủy sản cần tập hợp, biên tập các tài liệu về tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản, gửi cho các địa phương và phổ biến, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngư dân có thể tiếp cận nhanh và tốt nhất. Đồng thời, rà soát các chính sách hiện có như: Nghị định 67, Nghị định 89, Quyết định 68… để giúp ngư dân tiếp cận được chính sách một cách thuận lợi…
>> Theo Vụ Khai thác thủy sản, kế hoạch khai thác cá vụ Nam năm 2016 với tổng sản lượng trên 1,5 triệu tấn; trong đó, khai thác biển hơn 1,4 triệu tấn, nội địa 118.000 tấn. |