Năm 2015 vừa qua, giá cá tra diễn biến theo chiều hướng xấu, 1 kg từ 24.500 đồng ở tháng 1, giảm xuống còn 17.500 đồng thời điểm cuối năm, khiến nhiều người nuôi cá lỗ nặng. Trong khi, 46 hộ nuôi hơn 100 ha, liên kết với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (Công ty IDI) của Tập đoàn Sao Mai ở An Giang vẫn có lợi nhuận khá.
Liên kết
Công ty IDI cung cấp thức ăn cho cá và bao tiêu sản phẩm, gọi là “khoán gia công” với các hộ nuôi. Mức khoán 4.600 – 4.800 đồng/kg. Kết quả, hộ nuôi có lời 900 – 1.500 đồng/kg. Trong 46 hộ nuôi liên kết, hộ có sản lượng thấp nhất là 800 tấn, lời hơn 1 tỷ đồng, hộ có sản lượng cao nhất là 3.000 tấn thì thu lời nhiều tỷ đồng.
Trong nuôi khoán gia công, chất lượng thức ăn cho cá có vai trò quan trọng đến hiệu quả kinh tế, nên Tập đoàn Sao Mai đã thành lập bộ phận nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn thủy sản. Bộ phận nghiên cứu ký hợp đồng sản xuất thức ăn thủy sản với một số nhà máy, quản lý nguyên liệu đầu vào, quy trình phối trộn tiên tiến, đóng gói, bảo quản. Kết quả, 9 hầm nuôi khảo nghiệm, có 5 hầm đã thu hoạch, hệ số FCR bình quân 1.51 – 1.54, cá phát triển tốt với lượng tăng trọng bình 115 – 130 g/tháng. Hơn 100 hầm nuôi liên kết còn lại, sử dụng thức ăn ở mức 30 – 80% cũng cho kết quả tốt. Hiện, tất cả các hộ nuôi liên kết đăng ký sử dụng thức ăn thủy sản của bộ phận nghiên cứu.
Với kết quả đạt được, các hộ nuôi liên kết đã mở rộng sản xuất. Nhiều hộ ban đầu chỉ nuôi 1 – 2 hầm, nay tăng lên 10 – 12 hầm.
Người dân liên kết với doanh nghiệp để tăng chất lượng sản phẩm – Ảnh: Việt Anh
Vướng mắc
Theo lãnh đạo Công ty IDI, vấn đề dư lượng kháng sinh trong cá nuôi gia công đang khá đau đầu. Năm 2015, kháng sinh phát hiện trong cá có giảm so năm 2014, tuy nhiên vẫn còn nhiều.
Sau kháng sinh, vấn đề size cá cũng là một vướng mắc lớn trong liên kết giữa Công ty với các hộ dân. Lãnh đạo IDI cho biết, thực tế cá bắt tại hầm về nhà máy chế biến có size 0,3 – 2 kg/con. Với size quá rộng như vậy, sản phẩm chế biến bắt buộc phải có rất nhiều size, trong khi đơn đặt hàng chỉ 2 – 3 size, phần còn lại không thể xuất khẩu ngay mà phải lưu kho để tìm khách hàng, phát sinh chi phí lớn.
Cùng với những tồn tại trên, khi cố gắng đảm bảo lợi nhuận cho hộ nuôi thì Công ty IDI phải chịu nhiều thiệt hại. Như đã phân tích, giá mua cá của Công ty luôn cao hơn thị trường 1.500 – 2.000 đồng/kg, với sản lượng cá nuôi liên kết 47.419 tấn trong năm 2015, số tiền cao hơn là khá lớn. Lãnh đạo Công ty IDI khẳng định, luôn thực hiện đúng cam kết hỗ trợ hộ nuôi và thực tế sản lượng cá nuôi liên kết năm 2015 tăng 18% so năm 2014. Tuy nhiên, cần giải quyết các tồn tại về kháng sinh và size để giảm chi phí cho Công ty thì mới đảm bảo liên kết bền vững.
Phương hướng
Đến nay, tất cả các hầm nuôi cá liên kết với Công ty IDI đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và đang tiếp tục duy trì chương trình quản lý chất lượng vùng nuôi như GlobalGAP, ASC và BAP.
Trong năm 2016, theo thông tin đã được khẳng định, phương thức đầu tư của IDI với các hộ dân chủ yếu vẫn là khoán nuôi gia công. Mức khoán linh hoạt hơn để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hộ nuôi và Công ty. Về phía IDI đã cam kết tăng sản lượng đầu tư 30 – 35% so sản lượng hiện nay. Đồng thời, tiếp tục hợp đồng gia công thức ăn cho cá với một số nhà máy, nâng cao chất lượng để đảm bảo hệ số sử dụng thức ăn ở mức thấp nhất. Không ngừng hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho các hộ nuôi trong quá trình đầu tư.
Phía hộ nuôi cam kết không sử dụng các loại thuốc cấm trong quá trình nuôi cá, thực hiện đúng quy trình quản lý dịch bệnh, đảm bảo chất lượng cá đầu tư, độ đồng đều size cá ít nhất là 60%. Để nuôi và chế biến đúng kế hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân không mở rộng diện tích nuôi khi chưa được Công ty IDI ký hợp đồng liên kết đầu tư.
>> Cả hộ dân và doanh nghiệp kiến nghị nhà nước nghiên cứu bộ giống mới vì bộ giống cũ hiện đã có dấu hiệu thoái hóa; cùng đó, sớm quy hoạch hợp lý vùng nuôi chuyên canh, tạo điều kiện quản lý dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường và có chính sách khuyến khích bảo hiểm cho hộ nuôi. |