Tháng 3 – 4/2015, nắng hạn kéo dài, có những ngày nóng 35 – 37 độ C. Độ bốc hơi trong ao nuôi ngày càng nhanh, độ mặn càng cao, một số vùng nuôi ở huyện Phú Tân hơn 30‰. Nước triều thấp, bơm nước bổ sung không dễ chút nào.
Điện rất cần thiết cho nuôi tôm mùa nóng – Ảnh: Trần Út
Tập huấn phòng trị bệnh cho nuôi trồng thủy sản ở ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, chúng tôi chứng kiến người nuôi tôm vùng dự án CRSD, “Nuôi tôm bền vững vùng ven biển Cà Mau” (Chính phủ tài trợ sản xuất từ vốn vay Ngân hàng Thế giới) đã thực hiện: chọn ao đầm đúng kỹ thuật; chọn giống chất lượng cao; quản lý, chăm sóc; phòng ngừa dịch bệnh; tổ chức lại sản xuất; đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào vùng nuôi; xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi… Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn. Ông Trương Phong Nhã và ông Trần Thanh Vân, hai chủ hộ có diện tích nuôi tôm nhiều nhất ấp Vàm Xáng, kể: “Mỗi hộ có khoảng 5 ha nuôi tôm; trong đó nuôi tôm công nghiệp hơn 1,5 ha, chia thành 4 ao. Năm 2013 – 2014 thả 600.000 con giống; thu hoạch 2 đợt, được 13 tấn. Giá tôm thẻ chân trắng 115.000 đồng/kg/100 con, lãi 500 triệu đồng. Đầu năm 2015, cũng diện tích và lượng tôm chừng ấy, nuôi được 1 – 1,5 tháng thì thấy hiện tượng tôm bệnh phân trắng, gan tụy; thiệt hại 3/4 ao; còn lại 1 ao thu hoạch khoảng 200.000 con; giá bán 80.000 đồng/kg/100 con, lỗ là chắc”.
Để khắc phục tình trạng tôm chết như cuối quý VI/2014 và quý I/2015, người nuôi tôm công nghiệp ở đây kiến nghị: Các cấp chính quyền và ngành điện lực cần hỗ trợ cung cấp đủ điện. Các nhà cung cấp vật tư, thức ăn và thuốc nên chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm bằng cách giảm lợi nhuận; đồng thời, tại các khâu này, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, giám sát, xử lý theo đúng quy định. Những yêu cầu này không mới nhưng chưa bao giờ được đáp ứng thỏa đáng.