(TSVN) – Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, việc tổ chức sản xuất, nuôi trồng thủy sản (NTTS) cần được xây dựng theo chuỗi để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo những tiêu chí về vệ sinh ATTP và dịch bệnh của các thị trường.
Đây là một trong những nội dung chính của Dự thảo “Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 -2030”; một trong 11 chương trình, đề án ưu tiên trong “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021.
Mục tiêu tổng quát của Dự thảo Chương trình là phát triển ngành NTTS bền vững dựa trên sự gia tăng về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Kiểm soát được các yếu tố đầu vào, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được môi trường, dịch bệnh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành được các vùng sản xuất tập trung để phục vụ xuất khẩu với hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ chế kiểm soát, giám sát đồng bộ. Khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng hệ thống mặt nước sông suối, hồ chứa để phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tạo công ăn việc làm cho người dân. Phát huy tiềm năng tự nhiên để phát triển NTTS thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, giá trị cao, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và bền vững.
Đối với vấn đề phát triển NTTS trên các hồ chứa, tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phát triển NTTS trên các hồ chứa tại khu vực trung du, miền núi, cung cấp nguồn thực phẩm tiêu thụ nội địa, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Tại vùng Đông Nam bộ, nuôi thủy sản hiệu quả trên các hồ chứa lớn nhằm tăng thu nhập cho người dân và cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa. Tại vùng miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên, phát triển nuôi thủy sản trên hồ chứa, các thủy vực nội đồng, nuôi các loài thủy sản truyền thống và thủy đặc sản có giá trị kinh tế nhằm tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân. Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các đối tượng thủy sản nước lạnh cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Phát triển NTTS theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế. Ảnh: Gia Bảo
Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng. Gia hóa, chọn giống các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, TTCT, cá tra…) đáp ứng nhu cầu giống có chất lượng cao, sạch bệnh cho phát triển NTTS. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi đang còn phụ thuộc vào nguồn giống khai thác từ tự nhiên (tôm hùm, nhuyễn thể, cá biển…).
Theo đó, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo quản gen, nhân giống thủy sản nhằm bảo tồn và phát triển các giống loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng, có giá trị khoa học, kinh tế cao. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ NTTS có năng suất cao, chất lượng, tuần hoàn, tiết kiệm nước, năng lượng, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các hệ thống nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi hữu cơ, sinh thái. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc, chế phẩm sinh học phục vụ công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, phòng trị bệnh; giảm, thay thế sử dụng hóa chất, kháng sinh trong NTTS.
Theo các chuyên gia, Dự thảo “Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030” với các nội dung cần bám sát “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam” để đề ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp. Sẽ cố gắng không bỏ sót việc cho 10 năm tới, nhưng đồng thời cũng không đề ra quá nhiều nội dung, khó bao quát trong khoảng thời gian dài 10 năm.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, bản Dự thảo này sẽ phải logic từ quan điểm, mục tiêu, giải pháp… nhằm đảm bảo tính thống nhất, đầy đủ, không thừa không thiếu, để có tính khả thi cao nhất, triển khai hiệu quả trong 10 năm tới. Ngoài các nội dung đã đề cập ở trên, cần phải chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất… Từ đó, đưa ngành NTTS vào quy củ, phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, trách nhiệm, đúng như yêu cầu được nêu trong “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
>> Theo Dự thảo Chương trình, trong giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu tổng sản lượng NTTS đạt trên 7 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng trung bình 4,6%/năm. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NTTS đạt trên 12 tỷ USD, tăng 2,3 lần so năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,6 - 9,9%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất NTTS trung bình 8 - 9%/năm.