Đề xuất sửa đổi một số quy định về khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hoạt động khai thác thủy sản đang gặp không ít những hạn chế cho sự phát triển, nên có rất nhiều chính sách được ban hành để kiểm soát hoạt động, tuy nhiên, cũng gặp không ít những bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Đơn giản hóa Luật Thủy sản

Luật Thủy sản quy định, tàu cá nhập khẩu phải được Bộ NN&PTNT cấp phép. Quy định này sẽ làm tăng các thủ tục hành chính không cần thiết cho việc nhập khẩu tàu cá. Các tàu cá nhập khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực và phải được cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi thực hiện hoạt động khai thác. Do đó, theo VCCI quy định này là không cần thiết.  

Luật Thủy sản cũng quy định, các điều kiện của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; bộ phận giám sát, quản lý chất lượng, nhân lực. Theo VCCI, quy định này cũng không cần thiết, vì tất cả các tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán đều sẽ được đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác thực tế. Như vậy, chất lượng và an toàn tàu cá đã được bảo đảm bằng một biện pháp chặt chẽ và không cần thiết phải tăng cường bằng việc quy định điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Trong trường hợp việc đăng kiểm không đủ năng lực để bảo đảm chất lượng và an toàn tàu cá thì nên tăng cường cho hoạt động này chứ không nên đặt ra quy định là điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, việc quy định cứng các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải có từng loại máy móc cụ thể được liệt kê sẽ làm giảm sự linh hoạt của thị trường. Ví dụ, một cơ sở sản xuất chỉ tập trung thi công phần máy, phần ngư cụ, hoặc phần gỗ, phần mỏ neo và bán lại cho các cơ sở khác để tiếp tục lắp ráp, hoàn thiện. Việc bắt buộc có đầy đủ các loại máy móc sẽ không giúp các cơ sở có thể chuyên môn hóa nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Do vậy, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo của Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính về việc góp ý phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý Nhà nước của Bộ NN&PTNT bổ sung phương án cắt giảm theo hướng bỏ hai quy định nêu trên. 

Việc thi hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP còn khó khăn

Theo Bộ NN&PTNT, qua hơn 2 năm thi hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP trên phạm vi cả nước đã có chuyển biến tích cực, việc quản lý nhà nước của Bộ, Ngành, địa phương đã dần đi vào nề nếp, phần lớn các vụ vi phạm về hành chính được phát hiện và xử phạt kịp thời đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật… Nhưng, việc thi hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn; bởi kinh phí hoạt động, trang thiết bị, phương tiện làm việc, hệ thống cơ sở dữ liệu, kho lưu trữ… vẫn chưa được các Bộ, Ngành, địa phương quan tâm và đáp ứng một cách kịp thời, đầy đủ. Tại hầu hết các Bộ, Ngành, địa phương, các hoạt động liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính được lồng ghép trong một số hoạt động chuyên môn của từng lĩnh vực cụ thể và sử dụng nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của mỗi cấp. Tuy nhiên, một vài địa phương đã chủ động bố trí nguồn ngân sách cho cơ quan chuyên môn để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên như: Quảng Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận…

Hiện nay, Bộ NN&PTNT và các bộ có liên quan đã triển khai việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng, do chỉ bố trí công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành kiêm nhiệm, nên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt là đối với việc tham mưu, xử lý những vụ việc liên quan đến nghiệp vụ chuyên sâu… Vì vậy, chưa đáp ứng thường xuyên đáp ứng yêu cầu thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc tuần tra, kiểm soát trên biển và vùng nước nội địa.

Về thẩm quyền và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 42 chưa quy định đầy đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đối với các hành vi vi phạm; đặc biệt là hành vi vi phạm nghiêm trọng như “khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác” và “tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép”, là chưa phù hợp với Luật Cảnh sát Biển Việt Nam năm 2018. Quy định này đã có sự bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là những hành vi khai thác IUU đã ảnh hướng quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, khi Luật Thủy sản và các văn bản có hiệu lực, quá trình tổ chức thực hiện bộ lộ những khó khăn, vướng mắc, do đó cần sửa đổi, bổ sung. Hiện, Bộ đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với tình hình thực tế và theo khuyến nghị của EC như: Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!